|
Thanh Trúc,
phóng viên RFA
Bé trai 9 tháng tuổi đang nằm bệnh viện Bình Dương vì bệnh tay chân miệng hôm 24/8/2011 |
Thêm một ca tử vong vì khả năng nhiễm bệnh tay chân miệng ở Hà Nội chiều qua, trong lúc có báo động về tình trạng người lớn mắc bệnh tay chân miệng không có triệu chứng.
Vào chiều thứ Năm tức chiều hôm qua, Bệnh Viện Nhi Trung Ương Hà Nội loan báo một bé trai mười tháng tuổi đã chết với các triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng.
Theo người nhà của em bé xấu số thì trước đó anh trai ba tuổi rưỡi của bé cũng đã từng bị bệnh tay chân miệng, do đó khả năng bé bị lây từ anh là điều có thể khẳng định.
Tuy nhiên khi bé mười tháng tuổi bị sốt cao mấy ngày sau thì do chủ quan mà gia đình chỉ đưa bé đến bác sĩ để được truyền dịch và cho uống thuốc hạ sốt. Đến sáng thứ Năm thì bệnh của bé trở nặng hơn, em sốt li bì và thở rất yếu. Khi được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh Viện Nhi Trung Ương thì bác sĩ xác định bé có triệu chứng lâm sàng tay chân miệng. Cháu tử vong khoảng sáu tiếng sau khi nhập viện.
Tin này được loan trên báo chí sáng nay khiến các bậc cha mẹ có con nhỏ thêm phần hoảng hốt, trong lúc trước đó đã có báo động về tình trạng người lớn mắc bệnh tay chân miệng không có triệu chứng.
Từ Hà Nội, bác sĩ Phạm Nhật An, phó giám đốc Bệnh Viện Nhi Trung Ương, giải thích về tình trạng lây lan hiện nay của vi rút gây bệnh tay chân miệng nơi trẻ ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc:
"Nói chung tình hình bệnh dịch so với mọi năm thì nó tăng hơn, nhưng mà chỉ có điều là đến giờ thì Bệnh Viện Nhi là trường hợp thứ nhất thì khẳng định được rồi, trường hợp thứ hai đang đợi xét nghiệm. Vì tôi đang dự một hội nghị khoa học ở một nơi khác nên tôi chưa check được kết quả xét nghiệm nó có chính xác hay chưa.
Về lây lan thì bây giờ phải có các biện pháp phòng
chống thôi, nhưng so với miền Nam thì miền Bắc vẫn ít
chứ không nhiều như miền Nam."
Vậy thì tình hình dịch tay chân miệng có đáng phải báo
động không, bác sĩ Phạm Nhật An cho rằng không nên quá
hoảng hốt trước những thông tin về lây nhiễm hay tử vong
vì dịch tay chân miệng, nhưng:
"Tất nhiên là phải báo động vì nó tăng hơn so với mọi năm, nhưng mà quá hoảng sợ thì cái đấy không có."
Trong tầm kiểm soát
Đưa trẻ đến khám bệnh tại một bệnh viên ở Hà Nội hôm 15/8/2011. |
Không riêng Hà Nội mà ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, những người có con nhỏ đi Mẫu Giáo hay Mầm Non vẫn bị ám ảnh với những thông tin đại loại như dịch tay chân miệng đang tấn công các vườn trẻ. Có nhiều cha mẹ cứ thấy con nhỏ hơi sốt, thậm chí bị rơm sởi vì trời nóng, cũng đổ xô đưa con đi khám.
Bác sĩ Lê Minh Hùng, Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh, cho hay tình trạng lây lan tay chân miệng đến lúc này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng:"Cái thời điểm cao nhất trẻ mắc bệnh từ năm trăm ca trong một tuần thì hiện nay là ba trăm ca trong một tuần. Số tử vong hiện nay cũng vậy, tháng Chín chỉ có một ca thôi, tháng Mười chưa có ca tử vong nào ở thành phố Hồ Chí Minh. Vẫn kiểm soát được nhưng trong cộng đồng của mình thì cái mầm bệnh vẫn còn, nên mỗi gia đình phải tự phòng hộ, chứ lây lan trong trường học thì không có lây."
Được hỏi về cảnh báo người lớn mắc tay chân miệng không có triệu chứng, bác sĩ Lê Minh Hùng nói vi rút gây bệnh tay chân miệng chỉ tấn công trẻ em mà thôi, thế còn trường hợp tay chân miệng không triệu chứng nơi người lớn là có:
"Đúng rồi, mình sợ như vậy, trẻ nhỏ xíu dưới ba tuổi nó không mắc bệnh gì hết mà nó cũng không có đi chơi cũng không đi học nữa, nhưng mà tự nhiên nó mắc bệnh tay chân miệng, thì bây giờ người ta nghĩ cái mầm bệnh là từ người lớn. Người lớn đi làm việc, đi nơi này nơi nọ rồi về, đem mầm bệnh về nhà lây cho con cái trong gia đình.
Cho nên nghành y tế khuyến cáo là phải rửa tay vệ sinh trước khi ẵm bồng bé chăm sóc bé, tại vì bịnh này lây trực tiếp qua đường miệng, tay dơ rồi bé nó nút tay hay đồ chơi nó ngặm. Những cái đó có mầm bịnh do nhiều khi người lớn đem về. Dù mình không phát bịnh nhưng mình đem về lây cho gia đình mình."
Bộ Y Tế Việt Nam từ trung ương cho đến các Sở Y Tế địa phương vẫn tiếp tục khuyến cáo các trường học và các cộng đồng cư dân tích cực giữ vệ sinh, tẩy khuẩn và cảnh giác để phòng ngừa bệnh tay chân miệng không chỉ cho trẻ con mà nơi cả người lớn.
<<trở về đầu trang>>