Video Tài Liệu Audio Tài Liệu Nhạc Tin Tức & Thời Sự Bình Luận

 

Trần Huỳnh Duy Thức

Trần Huỳnh Duy Thức

 

Trong những bài báo Việt Nam đưa tin vụ bắt giữ luật sư Lê Công Định, hầu hết đều nhắc đến tên ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân thành đạt trong ngành truyền thông.

Tổng giám đốc OCI bị bắt vào ngày 24 tháng Năm, với tội danh ban đầu, theo giải thích của Sở thông tin truyền thông tp.HCM là "trộm cắp cước điện thoại".

Nay nhiều tờ báo Việt Nam còn trích nguồn từ nhà chức trách cho rằng tin ông Trần Huỳnh Duy Thức "đã có quan hệ mật thiết" với luật sư Lê Công Định và một nhân vật chính trị ở nước ngoài là ông Nguyễn Sỹ Bình.

LS Lê Công định mới bị bắt hôm thứ Bảy vừa qua, còn KS Nguyễn Sỹ Bình từng bị bắt rồi thả trong thập niên 1990

Báo Tiền Phong trích đăng bút tích để minh họa cho lời mô tả là ba người đã dùng chung hộp thư điện tử, hoạt động theo bí danh.

Bài trên báo Công An Nhân Dân nói ông Trần Huỳnh Duy Thức có bí danh là "chị Ba", trực tiếp chỉ đạo "Nhóm nghiên cứu Chấn," được coi là nhóm hành động tại tp.HCM, mà LS Lê Công Định là "chị Tư".

Bài trên Hà Nội Mới cũng nhắc đến "loạt tài liệu do Trần Huỳnh Duy Thức biên soạn có nội dung bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước..."

Tuy nhiên, hầu hết các báo đều tập trung vào luật sư Lê Công Định, có lẽ một phần do tin bắt khẩn cấp còn đang nóng, và cũng có thể một phần do tổng giám đốc Trần Huỳnh Duy Thức được biết đến như một doanh nhân thành đạt nhiều hơn.

Trong những năm đầu thập niên 2000 công ty điện thoại Internet do ông Trần Huỳnh Duy Thức thành lập và điều hành đã được coi là điểm sáng trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam, có nhiều bước đột phá, đầu tư sang các nước trong khu vực và Hoa Kỳ.

Tổng giám đốc Trần Huỳnh Duy Thức cũng nổi bật với các ý kiến phê bình những rào cản từ phía các cơ quan quản lý viễn thông đối với sự phát triển của ngành công nghệ cao này.

Dù cáo buộc hồi tháng 5 liên quan đến vấn đề khác, nay, theo tờ Tuổi Trẻ trích cơ quan an ninh điều tra trong một cuộc họp báo nói ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng bị bắt theo điều 88 của Bộ Luật hình sự, tức là hành vi tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cho đến ngày 16/06, hai công ty OCI và EIS với văn phòng tại các thành phố lớn ở Việt Nam và trang mạng tiếng Anh lẫn tiếng Việt vẫn hoạt động bình thường.

Hiện một số bloggers trên các trang mạng đặt câu hỏi về sự mâu thuẫn của nhà chức trách khi cho báo chí đưa tin về ông Thức và cả blogger Điếu Cày trước đây.

Các báo khi đăng tin về vụ bắt các ông này đều chỉ nói là lý do kinh tế hoặc dân sự nhưng sau khi bắt ông Lê Công Định thì lại nêu là ông Định "đóng vai trò" trong "âm mưu chính trị" với cả blogger Điếu Cày khi trước và ông Trần Huỳnh Duy Thức sau này.

Ngoài báo chí Việt Nam, hiện cũng chưa có nguồn độc lập nào hay ý kiến của chính các đương sự, thân nhân hay người đại diện cho cả ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức bình luận về các báo buộc nhằm vào họ.


<< trở về đầu trang >>