Nhà báo Nguyễn Vũ Bình nói về đoạn phim "xin khoan hồng":
Ra trước ống kính là vô cùng khác thường
Tối 19 Tháng Tám vừa qua, truyền hình nhà nước Hà Nội, đài VTV1 và VTV2, cho chiếu đoạn phim khá dài với nội dung “nhận tội và xin khoan hồng” của bốn nhà đấu tranh cho dân chủ, là Thạc Sĩ Nguyễn Tiến Trung, Kỹ Sư Trần Huỳnh Duy Thức, cựu Trung Tá Trần Anh Kim, và Luật Sư Lê Công Ðịnh. Cả bốn người đều bị bắt trong vòng hai tháng qua, với tội danh “hoạt động chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Ðiều 88, Bộ Luật Hình Sự. Những người đấu tranh dân chủ khác tại Việt Nam nhận định ra sao về sự việc này? Nhà báo Nguyễn Vũ Bình hiện sống tại Hà Nội trả lời bằng điện thoại cuộc phỏng vấn sau đây của Người Việt. Cuộc phỏng vấn do phóng viên Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.
***
ÐQAThái:
Cảm nhận của ông ra sao về việc những
người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam bị đưa lên
truyền hình của nhà nước và nhìn nhận “có tội”?
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Rất buồn. Nhưng cá nhân
tôi đã từng bị tù cho nên tôi cũng hiểu được
rằng, thực ra, phần lớn những người bị bắt, bị
tù đầy, việc giữ vững được cái lý tưởng, cái ý
chí, cái bản lãnh, số người đó hiếm lắm. Bị tù
là một đòn cân não vô cùng lớn, những người chưa
bao giờ bị tù thì không thể nào hình dung nổi,
không thể hiểu nổi. Nên nhận tội là chuyện bình
thường.
Khi tôi bị bắt, đợt đó trên dưới chục người cùng
bị bắt, sau khi được thả ra, hành xử ra sao, mọi
người đều biết cả. Nghĩa là, giữ được bản lãnh,
ý chí là cực kỳ hiếm và đáng trân trọng; không
giữ được là chuyện bình thường.
Riêng sự việc 4 nhà tranh đấu lên truyền hình
thú tội, có sự kiện cần phải suy nghĩ. Ðó là tuy
không giữ được bản lãnh, thế nhưng để đứng lên
trình bày trước ống kính TV mà nhưng người này
biết trước làm như thế hậu quả rất lớn, thì dù
không giữ được bản lãnh, nhưng họ cũng rất đắn
đo. Trong tù họ dùng cái từ “nhận tội vi phạm
pháp luật”, thế nhưng thừa nhận thì cứ thừa nhận;
nhưng từ việc thừa nhận tới hành động ra nói
trước ống kính, thì đó là tình huống vô cùng đặc
biệt, vô cùng khác thường. Thành ra, số người
nhận tội rồi đồng ý ra trước ống kính thật là
hiếm, là một điều cực kỳ khác thường.
-ÐQAThái: Khác thường ở điểm nào, thưa ông?
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Khác thường ở chỗ, cùng
lắm là một đến hai người là cùng ra thú tội
trước ống kính. Ðằng này tới bốn người. Mặc dù
tôi đã nói, trong tù, nhận tội là chuyện bình
thường. Nhưng mà nhận là nhận thế thôi chứ nói
công khai trên truyền hình thì là điều vô cùng
khác thường. Chúng ta phải tìm hiểu tại sao lại
xảy ra sự việc như thế; và chuyện này từ đâu ra
và nhằm chuẩn bị cho cái gì, đó là vấn đề những
người đấu tranh dân chủ cần phải nghiên cứu.
-ÐQAThái: Ông có lý giải được chuyện khác thường
này từ đâu ra và nhằm chuẩn bị cho cái gì?
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Tôi lý giải được, có
thể dự đoán được tại sao người ta làm như vậy,
có thể đúng có thể sai, nhưng bây giờ tôi chưa
thể nói được.
-ÐQAThái: Dù không nói được bây giờ, nhưng theo
ông, việc người ta “chuẩn bị cho cái gì,” nó có
lợi cho phong trào dân chủ không?
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Tất nhiên việc làm của
nhà nước như vậy là không bao giờ có lợi cho
phong trào dân chủ.
-ÐQAThái: Ông có thể cho biết ông ngày trước bị
bắt lúc nào?
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Tôi bị bắt ngày 25
Tháng Chín, năm 2002 và ra khỏi tù ngày 9 Tháng
Sáu, năm 2007. Tổng cộng là 4 năm 8 tháng.
-ÐQAThái: Trong thời gian bị tù đầy, tinh thần
của ông ra sao?
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Tôi nghĩ rằng tôi là
người có lý tưởng thực sự. Vì ý tưởng dấn thân
tôi đã hình thành rất lâu, và tôi đã chấp nhận
từ bỏ công ăn việc làm để đấu tranh vì lý tưởng,
chấp nhận tù đầy, thậm chí cả cái chết. Trước
khi dấn thân tôi đã xác định như vậy. Tôi không
dám nói những người nhận tội là không có lý
tưởng nhưng kiên trì với lý tưởng thì cũng đòi
hỏi nhiều sự chịu đựng, hy sinh.
-ÐQAThái: Trước khi bị bắt, vị thế xã hội của
ông là gì?
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Tôi là biên tập viên
của tạp chí Cộng Sản và cơ hội tiến thân của tôi
rất lớn. Tôi không phải là đảng viên nhưng tôi
là người lập ra Hội Sinh Viên Xuân Thủy năm 89
và tôi là chủ tịch hội. Sau đó, tôi tham gia hội
Ðồng Hương Hành Thiện là hội rất là mạnh do ông
Ðặng Xuân Phi là em ruột ông Trường Chinh làm
hội trưởng. Hội này toàn là những người làm quan
chức lớn. Thành ra cơ hội của tôi rất lớn. Nhưng
tôi đã từ bỏ tất cả để đấu tranh.
-ÐQAThái: Theo ông thì việc các nhà tranh đấu
lên truyền hình “nhận tội” có làm chùn bước
phong trào dân chủ tại Việt Nam không?
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Bài bản của nhà cầm
quyền chuẩn bị như thế quả thật là ghê gớm và
tác động của việc này không nhỏ đối với phong
trào đấu tranh dân chủ. Nhưng dù ảnh hưởng nặng
hơn nữa thì phong trào vẫn cứ tiến lên. Vì dân
chủ là khát vọng của người dân. Tôi tin tưởng
như thế. Tôi mong muốn mọi người tin tưởng vào
tương lai tươi sáng của phong trào dân chủ Việt
Nam. Và tôi vẫn cho rằng, thời gian chỉ một hai
năm nữa thôi, sẽ có sự thay đổi chế độ.
-ÐQAThái: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của
Người Việt.