Video Tài Liệu Audio Tài Liệu Nhạc Tin Tức & Thời Sự Bình Luận

 

Người TQ gốc Việt gặp khó khăn

 Người TQ gốc Việt gặp khó khăn

 

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/07/090719_vietnamese_chinese.shtml

 

Báo Mỹ vừa có bài nhắc lại vụ xung đột của nông dân Quảng Đông với cảnh sát Trung Quốc để chỉ ra rằng một lý do là vì dân làng chính là nạn kiều từ Việt Nam.

Số phận những người 'Trung Quốc gốc Việt' (Vietnamese Chinese) ở làng Anh Hồng, trấn Anh Đức, Quảng Đông tưởng như đã yên ổn sau sự kiện 1979.

Nhưng nay, như báo Washington Post 19/07/2009 nêu ra, vụ việc hồi tháng 5 vừa qua xảy ra một phần là vì, như người dân làng cho hay, họ bị phân biệt đối xử.

Cuộc va chạm đổ máu giữa nhóm 'gốc Việt' này với nhà chức trách, cũng được nhà báo Arianna Eunjung Cha so sánh với vụ Tân Cương đầu tháng 7, để nói rằng chính sách sắc tộc của Bắc Kinh có vấn đề.

Ông Trần Nhuệ Xương, 53 tuổi, làm nghề trồng dâu nuôi tằm và trồng quít, nói với nhà báo rằng: "Chính quyền không giúp đỡ vì chúng tôi là người Trung Quốc gốc Việt Nam."

Người dân cũng nói họ chỉ nhận được trợ giúp bằng gạo trị giá 20 Nhân dân tệ sau trận lụt hồi 2006, so với 200 tệ chính quyền dành cho người Hán chính gốc.

Chính quyền sở tại, theo bài báo, bác bỏ hoàn toàn chuyện họ phân biệt đối xử nhóm nông dân gốc Việt Nam.

Nhưng cán bộ lãnh đạo xã cũng phàn nàn những người dân 'không chịu lắng nghe cảnh sát và họ 'không nói được tiếng Trung như bình thường'.

Ông Tưởng Ôn Minh, quan chức phụ trách an ninh tỉnh được trích lời nói: "Họ không nói tiếng Trung như người Trung Quốc bình thường mà nói như người ngoại quốc."

Ông cũng than phiền là dù sống ở đây đã 30 năm "Họ vẫn không nghĩ họ là người Trung Quốc".

Nhưng dân chúng cho hay những người trẻ trong cộng đồng nói giỏi tiếng Trung, chỉ có lớp già hơn thì nói một thứ phương ngữ Trung Quốc (Chinese dialect).

Trên các trang mạng ở Trung Quốc sau khi xảy ra vụ ngày 23/05, khi chừng 50 người dân tấn công đồn công an cho thấy rõ các biểu ngữ chữ Hán của họ hỏi vì sao 'Những Việt Nam Nạn Dân' sau 30 năm vẫn bị phân biệt đối xử.

Nạn kiều hai lần?

Theo Washington Post, đây chính là một nhóm nhỏ trong số đông người Việt gốc Hoa chạy về Trung Quốc trong các năm 1978-79.

Họ được cho định cư ở vùng Nam Quảng Đông nhưng gần đây mâu thuẫn với chính quyền địa phương vì các dự án đất đai, giống như tình trạng 'lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp' ở nhiều nước trong vùng.

Làng Anh Hồng, thuộc trấn Anh Đức, Quảng Đông nổi tiếng có nghề canh tác trà và dâu tằm.

Người dân phàn này rằng đất của họ bị chính quyền tịch thu để bán cho nhà đầu tư Đài Loan và cuộc xung đột chỉ nổ ra sau khi họ tuần hành hòa bình đòi thả những người bị bắt vì gửi đơn kiện lên chính quyền.

Chính thức mà nói, sau vụ việc hồi tháng 5, cả phía công an địa phương và dân làng đều có những người bị thương nặng phải nhập viện.

Bài báo của Washington Post mô tả có người dân nói họ bị đánh bằng gậy và thanh sắt vỡ sọ hoặc liệt chân tay nhưng cũng kể trường hợp một công an viên phải vào viện cấp cứu vị chảy máu não.

Một nhân chứng nói với nhà báo rằng hàng trăm người bị thương trong cuộc xô xát. Hãng AFP hồi tháng 5 trích báo Trung Quốc China Daily nói ba trăm dân trồng chè ở Anh Đức đã bao vây và tấn công đồn công an trong bốn tiếng liền.

Trong giai đoạn Nạn Kiều 1978-79, hàng vạn người gốc Hoa, đa phần thuộc các nhóm sắc tộc Nam Trung Quốc và không nhất thiết là người Hán, phải rời Việt Nam.

Một số đông được Trung Quốc cho vào các nông trường phía Nam nước này nhưng rồi họ bỏ đi tiếp sang Hong Kong và dần định cư ở các nước thứ ba.

Một số được đưa về các làng quê Trung Quốc và lập thành các cộng đồng dân cư.

Dù với Việt Nam họ là người Hoa nhưng tại Trung Quốc họ lại chỉ được coi là một nhóm sắc tộc thiểu số gốc Việt Nam.


<< trở về đầu trang >>
 free counters