SGTT – Khoảng 21 chiếc ghe (17 ở Lý Sơn, 4 ở Bình Châu) đã gặp bão khi đang lênh đênh trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Mỗi ghe đều có sự chọn lựa riêng: kẻ đi trú bão, người chạy về nhà. Tất cả đều thoát chết nhưng số phận của 21 chiếc ghe lại không giống nhau khi lâm nạn bão và người.
Bốn chiếc ghe, chứa hơn 50 ngư dân của đảo Lý Sơn ra khơi vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch (ngày 18 – 19.9.2009), điểm đến của họ là vùng lộng Trung Sa, gần quần đảo Hoàng Sa. Bây giờ là mùa bão nhưng trong ngày xuất phát ra khơi, trời trong và đẹp. Chỉ được dăm ngày đánh bắt, cả bốn đã bị bão đuổi, cái chết cận kề.
Bất trắc
Mất hơn một ngày đêm, ông Võ Văn Sĩ (32 tuổi) mới đưa ghe của mình đến vùng lặn. Thợ xuống biển được bốn ngày thì nghe báo bão xa. Mười bốn sinh mạng trên ghe vẫn miệt mài lặn ngụp. Làm thêm hai ngày, một chiếc tàu mà các ông cho là tàu tuần tra xuất hiện. Họ hốt hoảng bỏ chạy trong vô vọng vì ghe đánh cá chỉ chạy được khoảng 7 lý/giờ.
Nỗi lo tăng thêm khi sau lưng là bão, lỡ có bề gì sẽ không xoay xở kịp. Khi con tàu kia đuổi kịp, ông Sĩ nhớ lại, cả ghe chỉ còn biết quỳ xuống sàn và giơ hai tay lên đầu. Một người trên chiếc tàu này xách theo cây búa, gặp gì chặt nấy: dây lặn, thùng phuy đựng nước ngọt… bất kể đồ gì trong tầm búa. Số người còn lại lao vào đấm đá ngư dân bằng giày đinh và nắm tay. Xong tất cả trở về tàu sau khi lấy một số đồ ăn thức uống, thứ gì không thích, họ vứt xuống biển.
Bị đánh đau, mọi người ê ẩm nên thả neo nghỉ một buổi, dự kiến hôm sau sẽ lặn tiếp. Sáng 26.9.2009, trời mù mịt, tin bão đang đến gần với vận tốc 25km/giờ và đúng hướng ghe lặn. Ghe quáng quàng nhổ neo, hướng mũi về đất liền. Chạy được gần một ngày thì bão đến sát lưng. Sóng lớn mưa to, thêm gió trong bờ thổi ngược như đẩy ghe xa bờ hơn. Cả đêm ấy, không ai ngơi tay, gần trưa 28.9.2009, chỉ còn cách Lý Sơn khoảng 7 lý nhưng sức cùng, ghe cũng như người không thể cập bến. Tất cả thả trôi, mặc sóng gió đưa đi đâu thì đi. Những đồ vật nặng trên ghe được tận dụng kẹp hai mạn để giữ thăng bằng. Ghe bị đẩy dần xa trôi tuột về phía nam. Hai ngày hai đêm ròng rã trong bão, đến sáng 30.9.2009, khi bớt sóng ngư dân mới hay ghe đã trôi đến ngoài khơi Quy Nhơn, cách Lý Sơn 90 lý. Mọi người xốc lại, đưa ghe trở về đảo nhà. Leo lên bờ mới tin mình đã thoát chết.
“Nhờ trên”
Lặn ở khu vực Trung Sa (cách Lý Sơn 320 lý), ghe ông Nguyễn Lộc cũng bị bão rượt nguy khốn như ông Sĩ. Ngày 26.9.2009, nghe tin áp thấp ở 123 độ kinh đông, 15 con người đều chắc mẩm, bão còn ở xa nên từ từ hãy tính. Ngày hôm sau, tin bão quá lớn, đi nhanh nên ghe phải quay đầu chạy vô bờ. Nhưng, vận tốc chiếc ghe cá không nhằm nhò gì với bão số 9, chạy được 150 lý thì gặp gió thổi ngược trong bờ ra nên ghe chậm hẳn lại. Bão sau lưng, ông Lộc tính đưa ghe tấp vào đảo Bom Bay tránh nhưng rồi thôi vì biết với bão cấp 14 – 15, tránh cũng chết. Ông Lộc nói, 200 lý còn lại đến bờ dài như bất tận, lênh đênh tiếp một ngày một đêm nữa mà chỉ nhích chưa được 70 lý. Những con sóng cao hàng chục mét, mưa như trút nước ập vào hòng nhấn chìm con tàu.
Đêm 28.9.2009, chiếc ghe thứ hai này phải thả trôi về hướng nam khi không thể tiến thêm một mét nào. Vật vã đến chiều 29.9.2009, ông Lộc quyết định neo ghe sau ba ngày hai đêm vật lộn vì máy đã yếu hẳn. Điểm neo ghe cách Quy Nhơn 80 lý ngoài khơi. Thoát tâm bão nhưng mọi người vẫn hì hục tát nước, tránh sóng thêm một ngày một đêm nữa. Chiều 30, biển mới tạm yên. Nhiều ngày mặc đồ ướt, không được thay tháo, các vùng kín của mọi người sưng tấy, lở loét. Bão tan, ghe quay về Lý Sơn nhưng đến hôm nay, ai cũng bàng hoàng vì không hiểu sao mình còn sống khi ở tâm bão. “Tôi cứ nghĩ như có người trên giúp”, ông Lộc thì thầm. Người vợ ở quê mất tin chồng khóc hết nước mắt, bà chỉ tin vào phép màu, khi bão tan, từ chỗ tàu dạt, người chồng gọi điện thoại về nhà.<
Hai chiếc ghe còn lại là của ông Lê Văn Cương và ông Nguyễn Văn Lộc tuy không bị trôi dạt nhưng cả hai cũng thoát lưỡi hái tử thần chỉ trong tích tắc. Giống như bạn ghe, ông Cương không muốn ghé về đảo Hoàng Sa tránh bão vì rủi ro nơi đây cũng lắm. Gặp tình huống xấu, tuy không mất mạng như khi lênh đênh trên biển nhưng bị cướp đồ đạc, tiền chuộc… sẽ đưa gia đình ông vào một bất hạnh khác.
Do đánh bắt gần nhau nên khi nghe tin bão, tối 26.9.2009, ông Cương và ông Lộc quyết định nhổ neo chạy vào bờ. Cả hai ghe chạy cùng lúc nhưng rồi máy chiếc ghe của ông Cương trở chứng, ông tụt dần lại sau so với ghe bạn. Ông Cương nhớ lại, chạy được dăm tiếng, ghe tắt máy, ai nấy mặt xanh lè. Bỏ tay lái, ông chui xuống khoang máy cùng thợ. Cả hai loay hoay một thôi, máy nổ. Mừng húm, tất cả lao đi. Nhưng lại chỉ được năm bảy tiếng nữa, máy lại tắt. Lại hồi hộp, rồi tiếp tục chạy. Cứ thế, chạy – sửa – chạy… đến mờ sáng 28.9.2009, 13 con người đã cảm giác thấy bến quê. Sóng ngút mũi tàu nước ngập lênh láng, nhưng phải cố vì đang ở trong tâm bão. Chiếc ghe nhích chậm dần, 3 rồi 2 lý/giờ. Ráng đến gần 10 giờ sáng, chiếc ghe lọt vô bến. Thoát rồi, người vợ là cô giáo mầm non và ba đứa con đội bão líu quýu ôm chồng trong nước mắt. Ghe của ông vào sau chiếc ghe bạn gần ba tiếng.
Kể lại chuyện thoát bão, ông Cương vẫn còn rùng mình. Đây là một trong hai chuyến đi biển hãi hùng nhất trong hơn 25 năm làm nghề của ông. Lần trước, vào năm 1992, ghe ông gặp bão ở Hoàng Sa, ghe chìm, người cha và hai người em chết mất xác và lần này. Ông vẫn không lý giải được tại sao mình lại thoát chết hai lần. Nếu cái máy im luôn, không biết sự thể đến đâu?
Về từ cõi chết, gần tuần nay, Lý Sơn vui như hội. Ngày nào ở các lăng, sở, dinh ở hòn đảo bão tố này đều nghi ngút khói hương và gà heo lễ tạ ơn trên. Ông Lộc nhẩm tính, phải cúng cả tuần mới hết các chỗ, nơi dân biển gửi lòng tin mỗi khi ra khơi kiếm sống. Nghèo khó thì đã rồi, nhưng đã hứa phải làm, không thể bội ước được!
Kon Tum: chống chọi lũ bùn
Chúng tôi vượt Trường Sơn gần 100 cây số, đến làng Măng Tôn, xã Dăk Môn, huyện Dăk Glei (Kon Tum). Trong đám bùn lầy ngập sâu gần đến mái nhà, chị Nguyễn Thị Thu Hồng vợ anh Thái Văn Mười nói trong nước mắt – trôi hết rồi chú ơi! Ngay bản thân tui đây này, chỉ còn một bộ áo quần duy nhất trên người thôi. Bỗng chốc trở thành trắng tay. Cách đó không xa hàng chục người lấm láp đang hò nhau kéo bùn đất ra khỏi căn nhà ông A Bia, bà Y Của (làng Dăk Sút, xã Dăk Kroong, huyện Dăk Glei). Bà Y Của nói “lúa gạo trôi sạch, đói cái bụng lắm”. Tại làng Kon Rơ Wang, huyện Dăk Hà, A Đại ngẩn ngơ đứng nhìn cái nền nhà còn sót lại, cho biết: “Cả cái xoong, cái nồi, dao rựa, giường chiếu, áo quần đều mất hết. Mấy ngày qua đi ở nhờ trên nhà trường và đang tính phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi con nhỏ thôi”.
Ánh Nguyệt
Lý Sơn (Quảng Ngãi): bão cuốn bay nhà thờ chính đội trưởng thủy quân Hoàng Sa
Ngôi nhà thờ con người từng được vua Minh Mạng sắc phong: “Trung can huyền nhật nguyệt, nghĩa khí quán càn khôn” (Lòng trung sáng tỏ tựa mặt trời mặt trăng, nghĩa khí bao trùm cả trời đất), bây giờ chỉ còn là đống nát vụn. Nhìn từ phía trước, toàn bộ mái nhà bị bão số 9 hất tung lên trời và đập xuống đất nên xơ xác như ngôi nhà bị bỏ hoang. Trong nhà có ba chiếc bàn thờ – chính diện, tả, hữu thì đều trong cảnh ngã đổ ngổn ngang. Bàn thờ bên trái thờ linh vị của Phạm Hữu Nhật bị ngói quật xuống làm nhiều chiếc lư hương, chân nến bị gãy gục một cách xót xa. Tấm bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ của một giám mục người Pháp, nội dung khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa treo tại vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà ngã úp mặt xuống nền đất ướt.
Lê Văn Chương
Nguồn: http://www.sgtt.com.vn/Detail24.aspx?ColumnId=24&newsid=57802&fld=HTMG/2009/1006/57802