Fax: +493046795841Email: thongtinberlin@gmail.comTel. +4917678132650

www.thongtinberlin.de - www.thongtinberlin.net - www.dvtnradio.com - www.dvtnradio.de

 

TQ bắt đầu cấm đánh cá ở Biển Đông

TQ bắt đầu cấm đánh cá ở Biển Đông

 

Bắt đầu từ Chủ nhật 16/05, Trung Quốc thi hành lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông, kéo dài cho tới ngày 01/08.

Đây là lệnh cấm được áp dụng hàng năm kể từ 1999, cho hải phận từ vĩ tuyến 12 phía bắc quần đảo Trường Sa, cho tới vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa.

Bắc Kinh nói cần hạn chế đánh bắt để duy trì nguồn cá.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Hôm 06/05, Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh cấm của Trung Quốc, cho đó là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế”.

Lời phản đối này bị Trung Quốc để ngoài tai, trong khi giới quan sát lo lắng rằng lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc sẽ đổ dầu vào chảo lửa Biển Đông đang ngày càng tăng nhiệt.

Một quan chức ngoại giao khu vực được báo South China Morning Post tại Hong Kong trích lời nói: “Tất cả chúng tôi đều đang theo dõi và tự hỏi xem chuyện này rồi sẽ đi đến đâu”.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến là một cách để thúc đẩy chủ quyền.”

 

Việt Nam nói hàng nghìn ngư dân bị ảnh hưởng vì lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc

Chủ quyền hay nguồn lợi thủy sản?

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc nhắm tới một mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn là bảo vệ nguồn cá.

“Mười năm nay, chúng ta có thể thấy Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền lợi kinh tế của mình.”

Ông Thayer phân tích: “Sử dụng tàu tuần ngư là một cách thức tuyệt vời vì đây không phải tàu chiến, chúng sơn màu trắng chứ không phải màu xám; nhưng đừng lầm tưởng, vì chúng cũng được trang bị vũ trang đầy đủ.”

Theo GS Thayer, thực hiện hành động đơn phương như thế này không theo đúng tinh thần thúc đẩy hợp tác, kiềm chế căng thẳng mà Trung Quốc và các nước Asean đã thống nhất với nhau.

Giới quan chức và học giả Trung Quốc thì lại cho rằng lệnh cấm đánh cá bắt nguồn từ cả hai việc bảo vệ nguồn lợi hải sản và chủ quyền lãnh thổ.

Giáo sư Vương Hàn Linh, chuyên gia các vấn đề hàng hải tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói mục đích chính là bảo vệ trữ lượng cá tại khu vực kinh tế đặc quyền của Trung Quốc và lệnh cấm đánh bắt này đã áp dụng từ lâu theo thông lệ quốc tế.

“Trung Quốc đã giữ chủ quyền và quyền tài phán tại các khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) tại Biển Đông từ hơn một nghìn năm nay, được các nước láng giềng như Việt Nam và Indonesia công nhận, nhưng các nước này tới những năm 1970 lại xé bỏ thỏa thuận khi phát hiện thấy dầu khí và các tài nguyên khác ở dưới biển.”

 

Ngư dân ngại ra biển?

Năm ngoái, khi lệnh cấm được Trung Quốc áp dụng, Việt Nam nói hàng nghìn hộ ngư dân bị ảnh hưởng khi không dám ra khơi vì sợ bị bắt và phạt vạ.

Năm nay, thuyền cá Việt Nam được khuyến khích tiếp tục đánh bắt tại các vùng biển ‘của Việt Nam’, thông qua đó đồng thời khẳng định chủ quyền.

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư kư Hội nghề cá Việt Nam, được trích lời nói: “Chúng tôi vẫn khuyến khích bà con đánh bắt trên những vùng biển thuộc lănh hải Việt Nam, kể cả quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”.

Trong khi đó, Việt Nam cảnh báo hiện tượng nhiều tàu cá “lạ” đang vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, hoạt động đánh bắt hải sản gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Biên phòng và hải quân Việt Nam đang có kế hoạch tuần tra truy bắt, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Tình trạng ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt vẫn tiếp tục xảy ra. Hôm 15/05, tàu của ông Đặng Tằm, xã Bình Châu, Quảng Ngãi, với 11 thuyền viên đã được trả tự do về đến nhà sau khi nộp gần 200 triệu đồng tiền phạt cho Trung Quốc.

 

Nguồn: BBC


<< trở về đầu trang >>
free counters