Liên minh Báo chí Đông Nam Á quan ngại về LS Định
Seapa, tổ chức bất vụ lợi đại diện cho giới ký giả và người dùng truyền thông vùng Đông Nam Á kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện LS Lê Công Định.
Seapa gọi ông Định là một luật sư có tiếng, là ký giả, và là người bảo vệ quyền tự do ngôn luận và nhân quyền.
"Ông Định là một luật sư bào chữa cho các nhà văn và cá nhân hoạt động cho dân chủ tại Việt Nam," một tuyên bố của Seapa ra ngày 16/6 có đoạn viết.
Lên tiếng với đài BBC ngày 17/6 từ Bangkok, ông Roby Alampay, giám đốc điều hành của Seapa cho rằng, vụ bắt luật sư Định là đòn đánh trực tiếp vào quá trình dân chủ hóa và tôn trọng nhân quyền, hai lĩnh vực, theo ông, "tối quan trọng đối với cải cách dân chủ tại Việt Nam."
"Vụ bắt LS Lê Công Định đánh đi một thông điệp lạnh lùng và nguy hiểm đối với một số nhà văn và công dân trong nước, những người dùng biện pháp hòa bình để mang lại thay đổi tại Việt Nam."
Roby Alampay, giám đốc của Seapa, một ký giả trẻ người Philippines nói: "Nó cũng sẽ tác động đến giới luật sư, thành tố không thể thiếu được trong quá trình bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân tại Việt Nam."
Ông Alampay nói thêm: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam cam kết và đảm bảo sự minh bạch, tính công bằng trong quá trình luận tội ông Định, đặc biệt cho ông có quyền chỉ định luật sư, và cho phép truyền thông độc lập tới đưa tin quá trình xét xử."
Quyền cơ bản công dân
Liên minh Báo chí Đông Nam Á, Seapa, là tổ chức độc lập, bất vụ lợi, thành lập năm 1998 gồm đại diện giới ký giả tại ba nước, Thái Lan, Phlippines và Indonesia.
Mục đích của Seapa là bảo vệ và thúc đẩy tự do báo chí, tự do ngôn luận trong vùng Đông Nam Á.
Seapa cũng có đối tác tại Malaysia, Campuchia, Đông Timor, và một số ký giả lưu vong Miến Điện.
Seapa hoạt động độc lập với khối Asean.
Ông Alampay cho hay tổ chức của ông theo dõi quyền tự do báo chí tại Asean. Ông hiểu sang năm Việt Nam sẽ nhận chức chủ tịch luân phiên khối Asean thay Thái Lan. Ông muốn thấy Việt Nam có cử chỉ tôn trọng quyền cơ bản của công dân trước tòa.
"Điều chúng tôi quan ngại đó là nếu Việt Nam không tôn trọng quyền của ông Lê Công Định trước tòa, ví dụ như quyền có một phiên xử công bằng, và công khai, chúng tôi sẽ lo lắng về tinh thần và hành động mà Việt Nam, nước giữ vai chủ tịch, sẽ mang đến cho Asean,"
"Trong lúc cộng đồng Asean đang tìm cách xây dựng uy tín và lực đẩy cho việc hình thành một Ủy hội Nhân quyền Asean, và nếu như chủ tịch khối Asean khi ấy không tôn trọng quyền công dân của họ trước tòa, đâu sẽ là cơ hội cho Ủy hội nhân quyền Asean bảo vệ quyền con người trong khối?"