Bốn vị Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến trung và Lê Thăng Long bị buộc tội vi phạm điều 79 Bộ Luật Hình sự, mà mức án cao nhất là hình phạt tử hình.
Tự bào chữa
Được biết chỉ có hai ông Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức có luật sư bào chữa là LS Nguyễn Đoàn Thái Duyên Hải và Triệu Quốc Mạnh.
Ông Lê Công Định tự bào chữa còn ông Lê Thăng Long từ chối luật sư vào phút cuối vì bất đồng quan điểm.
An ninh được tăng cường bên ngoài phòng xử án trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Bến Thành, TP HCM. Các nhà báo đã được thông báo không sử dụng máy ghi âm và máy tính xách tay trong phòng xử.
Đại diện báo chí nước ngoài và ngoại giao đoàn được theo dõi phiên xử qua màn hình ở phòng bên cạnh.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh ṭa H́nh sự Tòa án Nhân dân TP HCM.
Báo Việt Nam cho hay phiên tòa bắt đầu đúng thời gian biểu và thái độ của các bị cáo "khá bình thản".
Tại tòa, ông Trần Huỳnh Duy Thức đề nghị thay đổi toàn bộ thành phần Hội đồng xét xử nhưng yêu cầu của ông bị chủ tọa phiên tòa bác vì "không có cơ sở".
Hồi đầu tháng 12, cơ quan công tố chuyển đổi tội danh đối với các bị can từ 'Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN' sang 'Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền', với hình phạt nặng hơn.
Trong số bốn người, ông Lê Thăng Long bị buộc tội nhẹ hơn cả, với mức án cao nhất có thể là 15 năm tù giam.
Tuy không cho rằng tòa sẽ khép án tử hình, giới quan sát còn đang đồn đoán về thời hạn tù dành cho ba ông Định, Trung và Thức. Các ông có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ là đã tham gia nhận tội, được phát trên truyền hình quốc gia hồi năm ngoạ́i.
Tội lật đổ
Vụ xét xử được xem như phản ánh thái độ không khoan nhượng của chính quyền Việt Nam trước các quan điểm chính trị đối kháng, nhất là trong thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 11.
Các bị can bị buộc tội đã cấu kết với "các thế lực phản động" trong và ngoài nước nhằm lật đổ chế độ. Hoạt động c̉ủa họ đã được ghi lại trên các trang web, bài viết và tài liệu mà cơ quan điều tra ghi được.
Những người này cũng bị buộc tội liên quan tới Đảng Dân chủ Việt Nam, vốn không được phép hoạt động trong nước.
Ông Lê Công Định còn bị cáo buộc đã tham gia khóa huấn luyện lật đổ bất bạo động do tổ chức Việt Tân, mà Việt Nam liệt vào danh sách khủng bố, tổ chức.
Các vụ bắt giữ và phiên xử hôm thứ Tư đã gây phản ứng mạnh từ các tổ chức nhân quyền và chính phủ nước ngoài.
Liên hiệp châu Âu, chính phủ Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho các bị cáo.
Sự chú ý tập trung khá nhiều vào luật sư Lê Công Định, người được biết tới nhiều cả ở trong và ngoài nước.
Trước phiên xử, ông Brad Adams, giám đốc khu vực Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói: "Bằng việc kết tội các nhà đấu tranh dân chủ, Việt Nam ngày càng tỏ ra thù nghịch với quyền tự do bày tỏ chính kiến một cách hòa bình trong thời kỳ trước Đại hội Đảng".
Ông Adams kêu gọi chính quyền Hà Nội chấm dứt việc hình sự hóa và bỏ tù các nhà chỉ trích, cũng như tôn trọng các trách nhiệm về dân chủ và nhân quyền đã ký với quốc tế, nhất là khi Việt Nam lãnh chức vụ chủ tịch khối Asean vào năm 2010.
Human Rights Watch cũng yêu cầu trả tự do cho các nhân vật đối kháng ra tòa tại TP HCM "ngay lập tức".