Lê Thị Huyền Trân: Cô Dâu Một Ngày
Cái chết của một cô gái trẻ khi sang
Mã Lai để được gả chồng đã tạo xúc
cảm cho tất cả những ai biết chuyện.
Câu chuyện về cuộc đời ngắn ngủi của
cô được ghi lại trong video tài liệu
“Cô Dâu Một Ngày”.
Lê Thị Huyền Trân, 24 tuổi, sinh ra
trong một gia đình nghèo khó; cô
chấp nhận hy sinh đời mình để giúp
cha mẹ và nuôi hai người em học đại
học. Một người trong xóm móc nối cô
nối với đường dây mai mối. Ngày 22
tháng 7, cô sang Mã Lai.
Huyền Trân được đưa về nhà của người
đứng đầu đường dây, một phụ nữ tên
Phượng có chồng người Mã Lai gốc
Hoa. Tại đây đã có 4 cô gái Việt
khác đang chờ để được người xem mắt
và chọn làm vợ.
Sau 2 tuần Huyền Trân được một người
đàn ông Mã Lai chọn. Ngày về nhà
chồng, Huyền Trân đột ngột đổ bệnh.
Người “chồng” hăm doạ đuổi Huyền
Trân ra khỏi nhà nội trong ngày nếu
cô Phượng không lấy lại “hàng.”
Cô Phượng đưa Huyền Trân về nhà và
gọi y tá đến chích thuốc cho Huyền
Trân.
Bệnh tình của Huyền Trân càng nặng.
Cô Phượng đưa Huyền Trân vào bệnh
viện và không hề trở lại thăm. Huyền
Trân qua đời trong cô quạnh trước
khi thân nhân ở Việt Nam kịp sang
thăm. Cô Phượng áp lực gia đình chấp
nhận hoả thiêu tử thi và gởi tro về
Việt Nam.
Trước áp lực của Cô Phượng, thân
nhân cầu cứu đến Liên Minh CAMSA. Tổ
chức quốc tế này nhanh chóng hợp tác
với cảnh sát quốc gia Mã Lai và một
tổ chức địa phương để can thiệp cho
gia đình Huyền Trân sang Mã Lai,
ngăn chặn việc hoả thiêu để hoàn tất
việc khám nghiệm, và điều tra nguyên
do đằng sau việc ngã bệnh và sự qua
đời đột ngột của Huyền Trân.
Ngày 28 tháng 8, mẹ và một người dì
họ đến được Mã Lai và đã thăm viếng
Huyền Trân một lần chót. Một người
cậu họ từ Hoa Kỳ, lúc ấy đang ở Việt
Nam, đã bay sang Mã Lai trước một
ngày để phối hợp hành động với Liên
Minh CAMSA.
Kết quả khám nghiệm tử thi sơ khởi
cho thấy có chất thuốc trong máu và
nhiều cơ phận ngưng hoạt động.
Cảnh sát tiếp tục lấy cung của 4 cô
gái Việt sau khi di chuyển họ từ nhà
của cô Phượng ra nơi tạm trú của
cảnh sát.
Cô Phượng được ở nhà trông con nhỏ;
chồng của cô bị giam để điều tra.
Gia đình của Huyền Trân ủy quyền cho
Liên Minh CAMSA đại diện cho họ để
làm việc với cảnh sát Mã Lai, bệnh
viện, và toà đại sứ Việt Nam nhằm
hoàn tất việc điều tra và truy tố
nếu cần thiết, hoả thiêu xác, và đưa
cốt tro của Huyền Trân về nước.
Đối với người con gái bạc mệnh ấy,
ước nguyện hy sinh cuộc đời mình để
giúp đỡ gia đình tan thành tro bụi
như chính thân xác của cô.
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu,
viết tắt là CAMSA (Coalition to
Abolish Modern-day Slavery in Asia)
trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ
chức thành viên: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa
Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam,
Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội
Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và
Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm
hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can
thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh
hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên
Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng
bào để tiếp tục phát triển hoạt động
nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân,
truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những
thay đổi về chính sách của các quốc
gia.