Fax: +493046795841Email: thongtinberlin@gmail.comTel. +4917678132650

www.thongtinberlin.de - www.thongtinberlin.net - www.dvtnradio.com - www.dvtnradio.de

 

UBNQ Tom Lantos tổ chức buổi điều trần về tự do tôn giáo Việt Nam

UBNQ Tom Lantos tổ chức buổi điều trần về tự do tôn giáo Việt Nam

 

Thanh trúc,

phóng viên RFA

 

Từ trái sang phải: Dân biểu Chris Smith, dân biểu Frank Wolf và dân biểu Cao Quang Ánh.

Vào chiều ngày thứ Tư 18/8/10 , Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong quốc hội Hoa Kỳ tổ chức buổi điều trần về tự do tôn giáo Việt Nam, lần này tập trung vào sự kiện Cồn Dầu, đồng thời yêu cầu hành pháp Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC các nước cần đặc biệt quan tâm vì không có tự do tín ngưỡng.

Thanh Trúc có mặt tại buổi điều trần và tường trình chi tiết đến quí thính giả:
Với sự điều hợp của dân biểu Frank Wolf, đồng chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos , buổi điều trần về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam còn có sự hiện diện của dân biểu Chris Smith, tác giả dự luật nhân quyền cho Việt Nam, dân biểu liên bang Mỹ gốc Việt, ông Cao Quang Ánh. Từ California, dân cử địa hạt 68, ông Trần Thái Văn, cũng gởi người đại diện đến tham dự buổi điều trần này.
 

Công an đàn áp đám tang của bà cụ maria Đặng Thị Tân.

Công an đàn áp đám tang của bà cụ maria Đặng Thị Tân.

Thảm kịch đau thương tại giáo xứ Cồn Dầu

Diễn biến gần đây nhất về đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, được nêu ra trong buổi điều trần, là sự kiện giáo xứ Cồn Dầu thuộc giáo phận Đà Nẵng của miền Trung. Đây là khu vực nằm trong kế họach giải tỏa của chính quyền Đà Nẵng nhằm thành lập khu du lịch sinh thái, trong đó có nghĩa trang Cồn Dầu đã lâu đời tại đây.

Vì mức đền bù giải tỏa không thỏa đáng, bên cạnh sự ngăn cấm  không cho người dân được an táng  thân nhân của họ trong nghĩa trang  Cồn Dầu, chính quyền địa phương đã có hành động trấn áp, công an đã tìm cách ngăn chận, cướp quan tài và đánh chết người vào khi người dân an táng thân nhân quá cố của họ.
Thuyết trình viên trong buổi điều trần gồm tiến sĩ  T Kumar, thuộc Ân Xá Quốc Tế Amnesty International.
Ông Theodore Van De Meid, Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới.

Ông Nguyễn Thành Tài, anh của Nguyễn Thành Năm, người thanh niên bị công an đánh chết tại Cồn Dầu.
Ông Nguyễn Quang, anh của Nguyễn Liêu, từ Việt Nam trốn sang Thái Lan để tránh bị bắt bớ sau khi bị công an phát  hiện chuyển hình ảnh về Cồn Dầu ra nước ngòai.
Bà Nguyễn Luân, chị của Nguyễn Liêm và Nguyễn Minh, đã bị bắt giữ tại Việt Nam.
Phát biểu với  đài Á Châu Tự Do, ông Theodore Van De Meid thuộc Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới, cho biết:

Trong phúc trình thường niên năm 2010 về tình hình tự do tôn giáo thế giới,  Ủy Ban Quốc Tế Mỹ Về Tình Hình Tự Do Tôn Giáo Thế Giới USCIRF đã yêu cầu Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC các  nước cần đặc biết lưu tâm vì thiếu tự do tôn giáo.
Cũng trong phúc trình này, Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới muốn nhấn mạnh rằng những vụ tranh cãi về đất đai giữa chính phủ Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã dẫn đến hiện trạng đàn áp, sách nhiễu, bạo lực, chết người, kể cả phá hủy tài sản vật chất của giáo hội mà sự kiện Cồn Dầu gần đây là một thí dụ điển hình. Để nhường đường cho kế họach mở mang khu du lịch sinh thái, chính quyền địa phương buộc giáo dân Cồn Dầu lìa bỏ mãnh đất họ và tổ tiên họ đã sinh sống bao đời mà không được bảo đảm quyền lợi.

Dân biểu Frank Wolf và ảnh của nạn nhân anh  Nguyễn Thành Năm

Dân biểu Frank Wolf và ảnh của nạn nhân anh Nguyễn Thành Năm, người thanh niên bị công an đánh chết tại Cồn Dầu.                                      RFA

Ông Nguyễn Thành Tài, anh ruột của Nguyễn Thành Năm, bị công an đánh chết trong vụ Cồn Dầu, nói :
Nguyễn Thành Năm bị đánh chết trong vụ đi dự đám tang của bà cụ maria Đặng Thị Tân. Công an muốn cướp quan tài, cướp xác đi thiêu để chôn chổ khác. Em tôi bị một công an đánh bằng dùi cui và bỏ chạy trốn. Sau khi đánh xong thì công an gọi lên tại vì thấy hình em tôi trong video clip mà em tôi bị đánh bễ đầu. Công an hỏi em tôi làm nhiệm vụ gì, ai cầm đầu và ai quay phim. Em tôi không chỉ thành ra công an đánh em tôi nhiều lần. Em tôi sợ quá về nhà trăn trối với vợ con…

Quá xúc động, ông Nguyễn Thành Tài không nói nên lời.

Người kế tiếp là ông Nguyễn Quang, trình bày về trường hợp ông ra làm nhân chứng trước buổi điều trần:

Tôi có người em là Nguyễn Liêu, đang trốn và đang tị nạn tại Thái Lan. Em tôi đã bị nhà cầm quyền bắt và đánh đập . Đặc biết có một điều là em tôi đã tham gia đám tang của bà cụ Nhu và em tôi đã chuyển những hình ảnh chuyển những tin tức cho tôi. Khi bị bắt và sau đó được thả về, em tôi đã bị khủng bố tinh thần hàng ngày và sau cùng là điều tra trong cái số điện thọai của em tôi và thấy có những hình ảnh và những số phone lưu trữ mà em tôi đã được phỏng vấn từ nước ngòai, từ đài RFA. Khi biết được cái tin đó thì em tôi biết họ sẽ tìm cách bắt mình và sẽ đánh đập cho nên em tôi phải chạy trốn qua Thái Lan. 
 

Đề nghị Việt Nam trở lại danh sách CPC

Bằng những lời lẽ được coi là cứng rắn và khá gay gắt so với các buổi điều trần trước đây, các vị dân biểu Hoa Kỳ  lên án sự kiện Cồn Dầu qua  những hành động dọa nạt,  bắt  bớ, ngăn chận, đánh chết thường dân mà công an địa phương gây ra. 
Là người đầu tiên lên tiếng, dân biểu Frank Wolf nêu câu hỏi là ông muốn biết có người của Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ tham dự buổi điều trần hôm nay không: 
Bởi vì chúng tôi biết trong vài tháng tới Bộ Ngọai giáo Hoa Kỳ sẽ công bố phúc trình của bộ về tình hình tự do tôn giáo thế giới, sự kiện Cồn Dầu một lần nữa nhắc cho mọi người nhớ đến những hành động đàn áp bắt bớ liên quan đến tôn giáo mà chính phủ đã và đang thực hiện. Chúng tôi một  lần nữa yêu cầu đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt lưu tâm vì thiếu tự do tôn giáo. Sẽ là một điều thiếu sót, một điểm đen cho hành pháp Mỹ nếu không kéo Việt Nam trở lại danh sách CPC. 

Tiếp lời dân biểu Frank Wolf, dân biểu Cao Quang  Án

 nhắc rằng ngòai Cồn Dầu thì trước đó nhiều vụ đàn áp tôn giáo đã xảy ra .
Dưới mắt dân biểu Chris Smith, bất dung tôn giáo ở Việt Nam không chỉ nhắm vào Giáo Hội thiên Chúa Giáo, không chỉ Cồn Dầu là một, mà còn nhắm vào những người dân tộc theo đạo Tin Lành ở miền núi:
Tôi đang có trong tay danh sách gần ba trăm người miền núi bị coi như tù nhân chính trị, và thức tế cho thấy sự đàn áp đối với người miền núi theo đạo vẫn đang tiếp diễn. Tháng Giêng năm nay nhà cầm quyền Việt Nam kết án hai người dân tộc từ chín đến mười hai năm tù về tội xách động gây rối trật tự xã hội.
Cách đây vài tuần, khi gặp gỡ các quan chức Việt Nam tại Hà Nội,, ngọai trưởng Hoa kỳ Hillary Clinton đã nghiêm túc đề cập  với họ về vấn đề nhân quyền và vấn đề tôn giáo bị đàn áp tại Việt Nam. Chúng tôi, các dân biểu Mỹ, và cá nhân tôi, mạnh mẽ thúc đẩy hành pháp cũng như ngọai trưởng Mỹ đặt Việt Nam trở lại danh sách các nước cần được lưu tâm đặc biệt  vì không có tự do tôn giáo. Việt Nam vô cùng xứng hợp với định nghĩa đó.

Theo lời ủy viên Theodore Van De Meid thuộc Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới, nội dung buổi điều trần của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos về tự do tôn giáo tại Việt Nam lần này, qua đó yêu cầu hành pháp của tổng thống Obama đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, sẽ được duyệt lại khi hạ viện tái nhóm tháng Mười năm nay.
Vẫn theo lời ông,  biện pháp duy nhất để có thể cải thiện tình trạng tôn giáo đang bị kiểm sóat bị trấn áp tại  Việt Nam là đưa tên quốc gia này lên danh sách CPC trở lại.


Thanh Trúc tường trình từ Washington.


<< trở về đầu trang >>
free counters