Khi biết Nguyễn Tiến Trung bị bắt, người ta
sẽ dễ dàng có một sự liên hệ tới vụ luật sư
Lê Công Định cách đây chưa đầy một tháng.
Nhưng có thể nhận thấy rất rõ sự khác biệt
trong phản ứng của dư luận trên các trang
mạng trước hai sự việc. Trong khi đa số
những người thuộc phong trào dân chủ cảm
thấy sốc và mạnh mẽ bày tỏ quan điểm ủng hộ
luật sư Định ngay sau khi nghe tin ông bị
bắt, thì đã có những phản ứng trái chiều và
e dè hơn từ chính lực lượng này dành cho
Trung.
Có một vài lý giải cho sự khác biệt trên.
Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ sự rút
kinh nghiệm của dư luận từ bài học khi vừa
ca ngợi một người về sự kiên định thì ngay
sau đấy, một clip thừa nhận việc mình làm là
sai trái của người đó được tung ra. Nguyên
nhân thứ hai nằm ở hồ sơ hoạt động dân chủ
của hai người. Trong khi người ta hầu như
chỉ đến luật sư Định như một trí thức cấp
tiến trước khi ông bị bắt và vì vậy ông nhận
được cảm tình của khá nhiều thành phần khác
nhau, thì Trung với tư cách là đảng viên
Đảng Dân chủ Việt Nam đồng thời là một trong
những sáng lập viên của tổ chức chính trị ở
hải ngoại là Tập hợp Thanh niên Dân chủ (THTNDC),
lại được nhìn nhận như một chính trị gia trẻ
tuổi.
Có những tổ chức chính trị và nhóm lập
trường khác nhau trong phong trào dân chủ.
Sự mâu thuẫn, chia rẽ, thậm chí ganh ghét
giữa các tổ chức và nhóm lập trường này là
điều bình thường. Đây cũng chính là lý do
chủ yếu dẫn đến việc Trung và THTNDC mà anh
là thành viên chủ chốt thường không chỉ nhận
được cái nhìn thiếu thiện cảm (như thường lệ)
của những người nằm ngoài phong trào, mà còn
nhận được cái nhìn nghi ngờ từ những người
nằm trong phong trào. Một giả thiết cho rằng
THTNDC là tổ chức thân Cộng được dựng lên
làm mồi nhử cho chính quyền Việt Nam được
củng cố khi người ta biết rằng Trung là
người giới thiệu luật sư Định và Trần Huỳnh
Duy Thức với hai đảng phái chính trị lưu
vong.
Nguyên nhân thứ ba của sự e dè nằm ở tác
động tâm lý từ chuỗi các vụ bắt bớ liên quan
đến những người ủng hộ dân chủ. Cho dù theo
tôi, đặc tính chung và chính yếu của những
người bị bắt vì tội "chống phá nhà nước" vừa
rồi không phải là vì những hoạt động ủng hộ
dân chủ của họ, mà là ở việc họ đều tham gia
vào các đảng phái chính trị lưu vong. Việc
một cá nhân độc lập chọn con đường đối đầu
với chính quyền chuyên chế, thường được
chính quyền ấy nhìn nhận có mức độ nguy hiểm
thấp hơn so với một cá nhân tham gia vào một
tổ chức chính trị có tham vọng đối lập và
lật đổ đảng cầm quyền. Theo một góc nhìn nào
đó, một cá nhân thuộc trường hợp trước sẽ
được coi là có động cơ phi chính trị (bất
mãn, bức xúc, cấp tiến...), thế nhưng một cá
nhân thuộc trường hợp sau sẽ được coi là có
động cơ chính trị và ảnh hưởng trực tiếp tới
sự độc quyền chính trị của đảng cầm quyền.
Hai câu hỏi lớn được đặt ra vào lúc này, sau
khi Nguyễn Tiến Trung bị bắt, đấy là: một,
những ai hay những người như thế nào sẽ bị
bắt tiếp theo; hai, tại sao những người ấy
lại bị bắt vào thời điểm này trong khi họ có
thể bị bắt sớm hơn thế nhiều? Như phân tích
ở trên, tôi cho rằng nếu tính tới thời điểm
hiện tại và nếu như phong trào dân chủ tỏ ra
lắng dịu trong thời gian tới, thì những
người ủng hộ dân chủ đồng thời tham gia vào
các tổ chức chính trị lưu vong sẽ có nguy cơ
rất lớn là bị tống giam và truy tố với tội
danh "chống phá nhà nước". Nói như vậy cũng
không có nghĩa rằng những cá nhân độc lập
ủng hộ dân chủ thì có nguy cơ bị bắt thấp
hơn, bởi vì rất có thể một vài cá nhân điển
hình trong thành phần này sẽ bị bắt để răn
đe.
Có những ý kiến cho rằng động thái mạnh tay
của chính quyền Việt Nam vừa qua với phong
trào dân chủ là để nhằm đánh lạc hướng dư
luận khỏi vụ bauxite, biển đảo..., đồng thời
cũng là nhằm dọn đường chuẩn bị cho đại hội
Đảng lần thứ 11 diễn ra vào tháng 1 năm
2011. Thế nhưng cũng có điểm chưa ổn trong
giả thiết thứ nhất đấy là không phải ai quan
tâm đến vụ bauxite, biển đảo cũng có sự quan
tâm với mức độ ít nhất là tương đương dành
cho phong trào dân chủ. Lực lượng mà chính
quyền cần để tâm nhất để đánh lạc hướng vào
lúc này phải là thành phần "đối lập trung
thành", tức là những cựu chiến binh, lão
thành cách mạng, các Đảng viên theo chủ
nghĩa dân tộc... Việc bắt bớ những người ủng
hộ dân chủ sẽ không có hiệu quả trong việc
đánh lạc hướng lực lượng này.
Giả thiết thứ hai có vẻ có lý hơn, nhưng
ngay cả thế thì cần nhớ là vẫn còn khoảng
một năm rưỡi nữa mới tới đại hội Đảng, đủ
thời gian để chính quyền thư thả thực hiện
việc thanh trừng, không nhất thiết phải dồn
dập như vậy. Sau cùng một giả thiết nữa là
cũng như vụ việc bắt hai nhà báo năm ngoái,
đợt bắt bớ lần này có thể bắt nguồn từ việc
đấu đá trong nội bộ ĐCS mà kết quả của nó
không có lợi cho luồng tư tưởng đổi mới
trong ĐCS và phong trào dân chủ.
Kazenka's Blog