Trung Quốc tuyển mộ gián điệp
Trần
Khải
Tình báo Trung Quốc đã tuyển mộ được
‒ hay đã mua chuộc được, hay đã gài
bẫy bắt chẹt được ‒ để có một hàng
ngũ gián điệp ở Việt Nam? Và trong
số bị mua chuộc đó có vị lãnh đạo
cao cấp nào hay không? Đó là những
suy nghĩ cần quan sát. Bởi vì chỉ
cần một cao thủ gián điệp luồn sâu
trèo cao được, thì với một chữ ký
trên một bản công hàm là Việt Nam có
thể mất đi một đảo, hay một vùng
biển...
Hiển nhiên không thể nói rằng Trung
Quốc không muốn gài gián điệp tại
Việt Nam. Điều chúng ta biết chắc
rằng, ngay cả khi tình báo Hà Nội có
bắt được gián điệp Trung Quốc, thì
chuyện này cũng không bao giờ lên
được một bản tin trên báo. Tự do báo
chí là cái gì còn rất xa tại Việt
Nam. Những người chỉ viết trái ý nhà
nước một tí, đã có thể bị quy chụp
là tiết lộ bí mật quốc gia, và kể
như là đếm lịch trong tù mệt mỏi.
Câu hỏi nữa: khi các nhà thầu Trung
Quốc kinh doanh tại Việt Nam, có hối
lộ để tranh thầu hay không? Cũng
không thể nói là không có được, bởi
vì cảnh sát Nhật Bản đã khui ra vụ
PCI hối lộ để thầu xây cất tại Sài
Gòn còn vang dội trên mặt báo quốc
tế và Việt Nam, chưa êm. Không lẽ
các bạn Trung Quốc lạị dở hơn các
bạn Nhật Bản trong các màn ăn nhậu
bí mật?
Mới tuần này, lại bể thêm vụ Trung
Quốc đã hối lộ 30 triệu đô la để
giành một dự án phát triển cho một
hãng quốc doanh Hoa Lục ‒ và người
được hối lộ là một bộ trưởng
Afghanistan. Bản tin AFP hôm Thứ Năm
viết rằng Bộ Trưởng về tài nguyên
hầm mỏ của Afghanistan đã nhận hối
lộ 30 triệu đô la để trao một dự án
phát triển cho một hãng quốc doanh
Trung Quốc, theo tin báo Washington
Post hôm Thứ Tư, dẫn nguồn tin từ
viên chức chính phủ Mỹ.
Báo này dẫn lời một viên chức Mỹ ẩn
danh liên hệ tới các bản phúc trình
tình báo quân sự nói là hầu như chắc
chắn rằng khoản tiền hối lộ 30 triệu
đô la đã trao cho Bộ Trưởng Mohammad
Ibrahim Adel.
Tiền hối lộ này trao tại Dubai
khoảng tháng 12-2007, khi hãng China
Metallurgical Group Corp (MCC) được
trao hợp đồng trị giá 2.9 tỉ đô la
để khai thác mỏ đồng Aynak ở tỉnh
Logar, một trong các mỏ đồng lớn
nhất thế giơi.
Năm ngoái, Adel nói với AFP rằng
Aynak có hơn 11 triệu tấn đồng trị
giá 88 tỉ đô la, và dự toán sẽ đưa
về cho chính phủ 400 triệu đô la/năm
qua tiền lệ phí và thuế.
Đó chỉ mới là chuyện hối lộ thôi.
Nhưng qua đó, cũng sẽ là một đầu cầu
để tuyển mộ gián điệp. Vì lằn biên
sẽ rất là mong manh, vì từ chỗ cầm
tiền hối lộ cho tới chỗ bán các bí
mật quốc gia cho “nước lạ” có khi
chỉ cần một nàng tuyệt sắc giai nhân
buông nhẹ chiếc áo xường sám quanh
gót hài.
Theo một thông tin trình lên quốc
hội Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, tình báo
Trung Quốc đang tăng tốc tuyển mộ
gián điệp tại Hoa Kỳ, và bơm tiền ào
ạt để mau chuộc người cộng tác về
tình báo.
Một bản tin của AFP hôm Thứ Năm nói
rằng Trung Quốc tăng tốc hoạt động
gián điệp chống Mỹ, nổi bật là 2
lĩnh vực chiến tranh không gian mạng
và tuyển mộ gián điệp, theo một bản
phúc trình trình lên quốc hội Mỹ hôm
Thứ Năm.
Trong bản phúc trình, ủy ban
US-China Economic and Security
Review Commission đề nghị Mỹ phải
cứng rắn hơn đối với quan hệ thương
mại Mỹ-Trung Quốc, trong khi phúc
trình rằng Trung Quốc đang vận dụng
hối suất tiền để hưởng lợi.
Bản văn nói là đang tăng vọt các vụ
tin tặc từ Trung Quốc tấn công các
trang web chính phủ Mỹ và các trang
bị xem là thù địch Bắc Kinh như của
ngài Đạt Lai Lạt Ma.
Đại tá Gary McAlum nói với ủy ban
rằng Bộ Quốc Phòng Mỹ dò ra 54.640
vụ tin tặc tấn công trong năm 2008,
20% nhiều hơn năm 2007. Con số này
tăng thêm 60% trong năm nay.
Ủy Ban cũng nói là CS Trung Quốc
tăng cường gián điệp ráo riết ở Mỹ,
và đang tuyển mộ công dân Mỹ làm
điệp viên.
Trước kia, tin tưởng rằng họ sẽ thân
với Bắc Kinh, Trung Quốc theo truyền
thống tuyển người Mỹ gốc Hoa, thường
là sai lầm, bây giờ lại theo mô hình
Liên Xô để dùng tiền và quà để hối
lộ người cho tin.
Bản tin trên mạng quốc phòng
www.defensenews.com kể chi tiết hơn
qua bài báo của phóng viên William
Matthews hôm 19-11-2009. Đặc biệt là
nêu lên tình hình lực lượng ở Biển
Đông, điều mà người Việt mình quan
tâm nhất.
Bản phúc trình thường niên của cơ
quan có tên là U.S.-China Economic
and Security Review Commission (Ủy
Ban Duyệt Xét Tình Hình An Ninh và
Kinh Tế Mỹ-Trung Quốc) đưa ra trước
quốc hội Mỹ hôm 19-11-2009 cho biết
Trung Quốc tăng tốc hiện đại hóa các
lực lượng Hải quân, tình báo và đặc
công Internet.
Bản phúc trình nói rằng Hải Quân
Trung Quốc đã có thêm 38 taù ngầm,
13 tàu chiến loại destroyers (có thể
dịch là hộ tống hạm, hay trợ chiến
hạm, theo định nghĩa của tự điển
wikipedia.), 16 tàu chiến loại
frigate (có thể dịch là khu trục
hạm, vừa tác chiến chống tàu ngầm,
chống phi cơ địch, vừa dùng để đưa
quân đổ bộ lên đất địch), các tàu
hậu cần và hàng chục phi cơ dùng cho
Hải quân.
Bản phúc trình cũng nói Hải quân
Trung Quốc tăng cường thêm nhiều vũ
khí tối tân, kể cả các phi đạn đạn
đạo chống tàu chiến được thiết kế
đặc biệt để phá hủy các hàng không
mẫu hạm của Mỹ. Bản phúc trình dày
358 trang đã nói với quốc hội Mỹ như
thế.
Ủy ban nói, Hải quân Trung Quốc “đã
có thể ngăn cản việc quân lực Mỹ
tiếp cận khu vực trong trường hợp
xảy ra khủng hoảng.” Bản văn ám chỉ
nhiều phần khủng hoảng sẽ là trường
hợp Mỹ cần can thiệp khi Trung Quốc
tấn chiếm Đài Loan.
Thực ra, người đọc Việt Nam có thể
thấy rằng xác suất nhiều hơn có thể
là sẽ xảy ra khủng hoảng tại Biển
Đông của Việt Nam. Trường hợp này,
hẳn nhiên là Mỹ sẽ không can thiệp
làm chi, vì chưa chắc Khối ASEAN đã
can thiệp, may ra là la làng thôi,
huống gì là Mỹ.
Còn chuyện gián điệp Trung Quốc trộm
tin và trộm các bí mật quân sự, kỹ
thuật, kinh tế Hoa Kỳ nữa. Bản phúc
trình nói là nỗ lực tình báo Trung
Quốc lấy tin “đang tăng rộng lớn,
dầy đặc và phức tạp.” May mắn, gián
điệp Trung Quốc chưa mua chuộc được
một Tổng Cục 2 nào tại Hoa Kỳ.
Còn đặc công mạng cũng là đáng lo,
vì bản phúc trình nói rằng các hoạt
động tin tặc từ Trung Quốc “có khả
năng phá hủy hạ tầng cơ cấu quan
trọng, gây gián đoạn thương mại và
ngân hàng, và trộm dữ kiện quân sự
và quốc phòng.”
Không phảỉ là chưa xảy ra. Bản phúc
trình kể ra trường hợp tin tặc Trung
Quốc đã trộm “nhiều terabytes (mỗi
terabyte =1024 gigabytes) dữ kiện
liên hệ tới hệ thống điện tử và
thiết kế” của Joint Strike Fighter
(kiểu phi cơ tác chiến F-35, loại
tàng hình thế hệ thứ 5).
Chỉ kể sơ như thế để biết: nếu Hoa
Kỳ còn lo ngại, thì Việt Nam thật
khó mà trực chiến đương cự.
Hãy nhìn cho rõ: tiền hối lộ bơm ra
ào ạt. Điều chúng ta muốn biết là
Trung Quốc đã mua được ai ở Hà Nội,
và nhờ đó được trúng thầu những gì
tại Việt Nam. Khi Trung Quốc hối lộ
30 triệu đô để khai thác mỏ đồng
Afghanistan, thì họ đã hối lộ bao
nhiêu để có mỏ bauxite Tây Nguyên.
Còn chuyện Biển Đông nữa. Có ai ở Hà
Nội đã lặng lẽ cầm tiền để bỏ qua
mọi chuyện ở Biển Đông hay không?
Không thể nói rằng Trung Quốc không
hề thò tay vào Hà Nội. Hãy xem.