|
Nguyễn Xuân Nghĩa
tư vấn kinh tế ĐACTD
Úp hụi. Vỡ nợ dây chuyền. Lừa đảo “khủng”. Lại thêm nạn cho vay cắt cổ. Hàng loạt những hiện tượng như thế tiếp diễn ở Việt Nam từ nhiều tháng nay. Trung Quốc giàu mạnh nhưng cũng có tình trạng tương tự. Hai nền kinh tế đi về đâu?
Ở Việt Nam sau những vụ úp hụi và vỡ nợ dây chuyền, gần đây nhất vừa nổi bật lên vụ lừa đảo được dư luận trong nước gọi là"khủng" khiến một nữ đại gia đang bị điều tra. Xuyên qua chuỗi tai họa ấy, nạn cho vay lãi cắt cổ cũng là chi tiết đáng chú ý. Nhiều người phải đi vay với lãi suất sáu bảy phân một tháng, thậm chí đến 200% một năm. Nhưng chẳng riêng Việt Nam, chuyên gia kinh tế làm tư vấn cho đài Á châu Tự do là ông Nguyễn Xuân Nghĩa còn chỉ ra một hiện tượng tương tự ở Trung Quốc. Vũ Hoàng tìm hiểu vấn đề này qua cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Xuân Nghĩa như sau.
“Cái nôi tư bản” chìm lỉm
Vũ Hoàng: Trong tiết mục chuyên đề hàng tuần là Diễn đàn Kinh tế, từ nhiều tháng nay ông đã phân tích hiện tượng cho vay lãi trên thị trường xám và hàng loạt doanh nghiệp loại nhỏ và vừa đã bị vỡ nợ tại Trung Quốc. Trong chương trình tuần này, ông cũng đề cập đến vụ lửa đảo vừa đổ bể tại Việt Nam mà ông gọi là "Thần Tháp Lừa" theo mô hình lường gạt gọi là Ponzi. Phải chăng ông thấy ra những liên hệ nhân quả giống nhau, giữa vụ phá sản dây chuyền tại Trung Quốc đến chuyện vỡ nợ ở Việt Nam?
Tỉ lệ nợ nước ngoài so với GDP tăng mạnh- Source: Bộ tài chính |
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thường phân tích chuyện Trung Quốc thật ra là để cảnh báo thính giả của chúng ta về những gì sẽ xảy ra tại Việt Nam, do cùng một số nguyên nhân tương tự.
- Từ mấy tháng nay người ta đã thấy hai vụ xù nợ khổng lồ ở Phúc Kiến và Chiết Giang, lên đến từ gần 50 triệu tới hơn 300 trăm triệu đô la. Đáng chú ý là vụ xảy ra tại thành phố Ôn Châu của Chiết Giang, khiến người chủ một tập đoàn làm kính đeo mắt thuộc loại lớn nhất nước trốn biệt tăm vì không trả được một núi nợ là hai tỷ đồng nguyên (nhân dân tệ), tương đương hơn 300 triệu đô la, trong đó, 60% là nợ các tư nhân. Ở đây, xin miễn nói về các viên chức cao cấp của Trung Quốc, trong lĩnh vực an ninh, đã tẩu tán tài sản và chạy ra nước ngoài từ nhiều năm nay.... Đó là do tin tức từ Bắc Kinh loan ra.
- Chuyện Ôn Châu rất đáng chú ý vì thành phố này được chính dân Trung Quốc gọi là "cái nôi của tư bản chủ nghĩa" do tư doanh nơi đây đã bung ra làm ăn rất bén nhạy, đến độ tạo dựng ra một mẫu mực cho các địa phương khác bắt chước, gọi là "Mô thức Ôn Châu". Thế rồi tình hình kinh tế khó khăn khiến cho cái thiên đường này của doanh gia bỗng chìm lỉm xuống nước.
Vũ Hoàng: “Chìm lìm xuống nước” là thế nào, thưa ông?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tình hình kinh tế khiến cho khoảng 40% các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa của Ôn Châu có thể ngưng hoạt động và họ đang kêu cứu nhà nước. Một lý do nêu ra là 36 doanh nghiệp trong khối này là loại cơ sở phù trợ xuất khẩu đã bị thất thu, mức lời giảm mất quãng 36% theo như báo cáo của họ từ hồi tháng Tư năm nay. Các tiểu doanh nghiệp lại thu dụng đến 80% nhân công Trung Quốc, nên nếu bị phá sản dây chuyền như nhiều người đang ngại thì tai họa kinh tế sẽ thành biến động xã hội và chính trị.
- Tìm hiểu sâu xa hơn thì ta thấy dân Ôn Châu đã đi
bước tiền phong để lập ra các cơ sở tư doanh làm gia
công cho xuất khẩu từ mấy chục năm trước. Khi các địa
phương khác cũng làm theo thì dân Ôn Châu lại tiên phong
kinh doanh trong lĩnh vực khác, dần dần đầu tư và thậm
chí đầu cơ vào địa ốc, thương phẩm. Đến khi bong bóng
đầu cơ có thể bị bể và lạm phát đang tăng thì họ xoay ra
cho vay lãi. Chi tiết đó khiến chúng ta chú ý đến sự
kiện là có đến 80% dân chúng xứ này đã đi vào thị trường
cho vay lãi, gọi là thị trường xám vì nằm ngoài hệ thống
tài trợ của các ngân hàng. Khi phải vay lãi với phân lời
cắt cổ thì nhiều hộ gia đình tất nhiên khốn đốn, nhiều
cơ sở tiểu doanh bị phá sản, nhiều người đi vay ở trên
với lãi suất nhẹ để cho ở dưới vay với lãi suất cao hơn
gấp bội lại mất nợ nên cũng đành phải bỏ trốn.
- Khung cảnh ấy cũng là môi trường nảy sinh ra các vụ
lường gạt hay úp hụi như tại Việt Nam, tại Thái Bình là
một vụ lên đến 200 tỷ đồng, Đan Phượng ở Hà Nội là 400
tỷ, v.v.... rồi mới đến vụ xây tháp ảo để lừa tiền đến
tối thiểu là cả nghìn tỷ. Việt Nam cũng vừa thông báo là
tính đến tháng Chín vừa qua thì năm nay đã có năm vạn cơ
sở kinh doanh phải đóng cửa và thải người, khi ấy ta
phải suy ra một chuỗi tương quan nhân quả như một vòng
xoáy nhận chìm tất cả.
Cùng mô thức, cùng hậu quả
Công ty chứng khoán Đại Tây Dương- Hà Nội- |
Vũ Hoàng: Ông nói "tương quan nhân quả" có phải vì
ông nhìn ra một chuỗi liên hệ giữa những biến động này,
tại cả Trung Quốc và Việt Nam?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi hình dung ra một cái tháp đang
lung lay và có thể sụp.
- Trên đỉnh là các đại gia và tập đoàn kinh tế nhà nước được các ngân hàng ngân hàng của nhà nước tài trợ với điều kiện ưu đãi theo “diện chính sách”. Ở dưới là các tiểu doanh của tư nhân thì khó có điều kiện đi vay nên rất chật vật huy động vốn và phải tìm vào quan hệ với người có chức có quyền và trả tiền lời cao hơn. Dưới cùng là thường dân, không có hoàn cảnh đi vay chính thức thì phải vào thị trường xám nay đã có màu đen kịt. Đó là cái tháp, với thiểu số trên đỉnh và đa số dưới đáy. Tại Trung Quốc tình hình cũng vậy vì mô thức của xứ này là mẫu mực cho Việt Nam
- Khi kinh tế có vẻ phấn chấn với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế Giới WTO thì mọi người lạc quan làm ăn và đi vay bất kể rủi ro. Khi kinh tế thế giới bị tổng suy trầm từ năm 2008 thì, cũng như Trung Quốc, Việt Nam ào ạt bơm tín dụng để kích thích sản xuất, mà bơm còn nhiều hơn Trung Quốc, trong ba năm có đến cả trăm tỷ đô la đã tràn vào kinh tế. Nhưng lượng tín dụng này đã không nâng cao sản lượng mà lại thổi lên bong bóng đầu cơ và lạm phát. Thế rồi vì nhu cầu chặn đà lạm phát, chính quyền siết lại vòi nước tiền tệ với lãi suất rất cao và với hạn ngạch tín dụng.
- Vài năm trước, phong trào đầu cơ trong không khí hồ hởi và luật lệ mơ hồ đã khuyến khích kẻ gian kích thích lòng tham của người khác để làm giàu thật nhanh mà bất kể đến rủi ro vỡ nợ, của kẻ cho vay lẫn người đi vay. Bây giờ, rủi ro ấy gia tăng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn và lãi suất cao hơn. Cái "nhân" là cái tháp thiếu bền vững dựa trên tâm lý đầu cơ lạc quan và luật lệ lỏng lẻo, gặp cái "duyên" là tình hình làm ăn và tài trợ khó khăn khiến cho ngần ấy cái tháp lớn nhỏ đều theo nhau sụp đổ, là chuyện đã xảy ra cho Trung Quốc và bắt đầu đổ bể tại Việt Nam.
Chủ nghĩa tư bản hoang dại
Người bán hàng rong trên xe đạp -Hà Nội- |
Vũ Hoàng: Ông vừa trình bày rất rõ chuyện kinh tế ở trên và xã hội ở dưới, nhưng ông giải thích thế nào về việc người ta đi vay đến 200% một năm, thậm chí cầm cố đồ đạc để vay hàng tháng, hàng ngày với lãi suất cắt cổ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng ở trên cùng, trên
cả sinh hoạt kinh tế, là tổ chức chính trị và chính sách
bất cập khiến một thiểu số có cơ hội trục lợi bất chính,
lại còn nêu gương xấu về cái tật đầu cơ và cái thói khoa
trương trong nếp sống. Ở giữa là một thành phần không ít
cũng mong muốn đầu cơ để leo lên nấc thang cao hơn của
các đại gia ở trên, nhưng bị lãnh họa mà không được nâng
đỡ hay cấp cứu như các doanh nghiệp nhà nước ở trên. Họ
vừa là nạn nhân mà cũng là thủ phạm của một thứ tư bản
chủ nghĩa hoang dại vì vô luật lệ. Ở dưới đáy là đa số
cùng khốn bị chết kẹt khi lãi suất thăng thiên, lại được
ở trên đắp xuống phân lời nặng trĩu. Rồi lãi đơn chồng
lãi kép, từ vốn đến lời gánh nặng đi vay đã trút lên
thành phần nghèo nhất. Cuối cùng thì công quyền bất lực
và người ta giải quyết chuyện lường gạt bằng bạo lực của
xã hội đen!
Vũ Hoàng: Ông dự đoán tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Một sự hốt hoảng đang biến thành tuyệt vọng. Có tuyệt vọng thì mới đi vay quá khả năng hoàn trái như vậy. Chúg ta có thể nhìn thấy đó như những triệu chứng của đại loạn đã từng thấy trong quá khứ của nhân loại.
Vũ Hoàng: Nhưng chính quyền của Trung Quốc hay Việt Nam không thể làm gì để đẩy lui mối nguy này sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng họ chỉ sợ dân chúng biểu tình thôi!
- Còn lại, làm ra luật lệ cho chặt chẽ và cải tổ viêc tài trợ cho công minh hơn thì lại khó vì nhiều nhóm quyền lợi cưỡng chống ngay trên thượng tầng đảng. Trong khi ấy, hệ thống ngân hàng sẽ mất nợ vì các thân chủ phá sản hàng loạt, tức là số quốc trái là nợ của công quyền càng gia tăng. Và điều khó tin vẫn có thể xảy ra là chính quyền vỡ nợ, kể cả chính quyền Bắc Kinh vốn đang ngồi trên một khối dự trữ ngoại tệ là hơn ba ngàn tỷ đô la! Chuyện nợ nần ấy quá phức tạp nên có lẽ ta sẽ có dịp trình bày sau, nhưng nếu có kiến thức tối thiểu về kế toán thì người ta cũng biết rằng cái tháp ảo này đang sụp đổ.
<<trở về đầu trang>>