Nghệ thuật tuyên truyền: Xây và phá
Song
Chi
Việc Giáo sư Phan Huy Lê công bố sự thật về “huyền thoại” Lê Văn Tám theo lời dặn dò của cố Giáo sư Trần Huy Liệu, người đã “dựng” nên nhân vật này, cho dẫu là một việc làm muộn màng nhưng dù sao, nó chứng tỏ cuối cùng thì lòng tự trọng ở những con người trí thức vẫn vượt qua được cái hèn và nỗi sợ hãi.
Bao nhiêu thế hệ trẻ em (và cả người lớn) Việt Nam đã tin và “được” tuyên truyền, dạy dỗ để tin vào hình tượng nhân vật này?
Và không chỉ có mỗi một nhân vật Lê Văn Tám. Huyền thoại lớn lao nhất, vĩ đại nhất và thành công nhất do chính bản thân người đó và cả một hệ thống tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam gây dựng nên suốt bao nhiêu năm qua chính là huyền thoại về vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh, “một lãnh tụ tài ba, một con người văn võ song toàn, đạo đức tột bậc, có một cuộc đời trong sạch, giản dị, không vợ không con, một lòng yêu nước thương dân”. Phải thừa nhận rằng về mặt tuyên truyền, tạo thần tượng, nhồi nhét vào đầu dân chúng, không có một chế độ nào bằng chế độ cộng sản! Bao nhiêu thế hệ trẻ em và cả người lớn Việt Nam, đặc biệt là những người đã từng sống ở miền Bắc trước năm 1975, đã tin yêu, thần thánh hoá Hồ Chí Minh, ngay từ bé đã thuộc mặt Bác, thuộc những bài ca về Bác, bắt đầu đi học là thuộc lòng về cuộc đời của Bác, thơ văn của Bác, và đã khóc hơn cả khóc cha ruột chết vào ngày Bác qua đời.
Cho đến bây giờ, 40 năm sau ngày con người ấy mất đi, Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục phát động cả một chiến dịch học tập theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Và cho đến bây giờ, cho dù một phần sự thật về cuộc đời, nhân cách và cả nhân thân của nhân vật này được nhiều người nhiều, nguồn khác nhau công bố, nhưng vẫn còn không biết bao nhiêu dân Việt vẫn nhất mực tin vào cái hình tượng được xây dựng bao nhiêu năm kia? Tôi đã từng biết rất nhiều người, mặc dù họ cũng thừa nhận chế độ này có nhiều điểu tồi tệ, sai trái, bất công phi lý… nhưng khi đụng đến “Bác Hồ” là họ lập tức ra sức bênh vực, bào chữa, cho rằng mọi cái tồi tệ của chính quyền và xã hội bây giờ hay thậm chí ngay cả vào thời Bác còn sống (như những vụ thủ tiêu, loại trừ bao nhiêu đối thủ và đảng phái chính trị thời kỳ đầu mới nắm chính quyền, vụ Nhân văn – Giai phẩm, Cải cách Ruộng đất, vụ án “xét lại”, vụ thảm sát Tết Mậu Thân-Huế v.v…) là do người khác làm ra, chứ “ông cụ” thì tuyệt đối đúng, và giá mà ông cụ còn sống thì xã hội chắc chắn đã khác v.v… Chẳng khác nào con chiên tin vào Chúa Trời, cấm có cãi!
Và còn biềt bao nhiêu huyền thoại khác, thần tượng khác đã được dựng đứng nên, bịa đặt ra hay chí ít thì cũng là tô vẽ thêm? Không thể biết được. Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những nhân vật như Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu, v.v…?
Sinh ra và lớn lên ở miền Nam, thế hệ chúng tôi không thể kiểm chứng được những điều đó. Riêng cá nhân tôi chỉ bắt đầu thực sự hiểu được “nghệ thuật” tuyên truyền đạt đến mức “võ công thượng thừa” của nhà nước cộng sản Việt Nam qua câu chuyện về cái chết của cố nghệ sĩ Thanh Nga, một trong những nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn một thời của miền Nam mà tôi cũng như hàng triệu khán giả Việt Nam khác vô cùng ngưỡng mộ. Cái chết của bà và chồng đã gây ra nỗi thương tiếc cho bao nhiêu người và đám tang của bà là một trong vài đám tang nghệ sĩ có đông quần chúng đến đưa tiễn nhất ở Sài Gòn. Vào năm 1978, mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đang xấu đi, thậm chí hết sức căng thẳng. Lợi dụng hình tượng đẹp của cố nghệ sĩ Thanh Nga và lòng yêu mến của đông đảo quần chúng dành cho bà, Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đã dựng đứng lên rằng cố nghệ sĩ Thanh Nga chết là do…Trung Quốc hãm hại vì đã đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga! Khỏi nói là đám đông quần chúng đã tin theo, phẫn nộ và ngùn ngụt căm hờn “bọn Trung Quốc tàn ác” như thế nào. Về sau nhiều người trong đó có tôi mới biết nguyên nhân cái chết thực sự của bà và chồng là do một bọn cướp, là một vụ án hình sự. Chỉ một ví dụ này cũng đủ thấy “nghệ thuật” tuyên truyền của Đảng và nhà nước Việt Nam là như thế nào!
Trở lại với hình tượng Lê Văn Tám, tôi biết rằng ngay cả giờ phút này khi Giáo sư Phan Huy Lê nói lên sự thật, không phải chỉ riêng phía chính quyền là không hài lòng với điều này bởi vì họ không muốn thừa nhận bất cứ sự dối trá nào đối với nhân dân và với lịch sử, mà ngay trong nhân dân, bên cạnh một số đông người được biết chuyện cảm thấy bị xúc phạm và thất vọng thì vẫn có một bộ phận người dân phản ứng theo kiểu ngược lại! Do bị tuyên truyền và giáo dục bao nhiêu năm để chỉ quen nghe theo những gì Đảng và nhà nước nói, cho đến bây giờ một số người dân vẫn cố bào chữa cho những gì mà Đảng đã làm trong quá khứ, rằng vào thời điểm đó những việc tuyên truyền để khơi dậy lòng yêu nước căm thù giặc là cần thiết, bất chấp sự thật và lịch sử, rằng sau bao nhiêu năm có cần thiết để “nói lại cho rõ” không hay như vậy chỉ tạo điều kiện cho bọn xấu, bọn phản động có dịp rêu rao v.v… Thật là dễ sợ khi người ta phải sống quá lâu với một đảng lãnh đạo duy nhất, một thể chế chính trị duy nhất, đến mức không chỉ tin và nghe theo mà còn bênh vực, bảo vệ luôn tất tần tật mọi cái sai cái xấu của Đảng và của thể chế chính trị đó – cũng là tự bảo vệ chính mình để khỏi phải nhìn thấy sự thật.
Khi chưa giành được chính quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Đảng CSVN đã dùng tất cả mọi phương tiện, dồn tất cả mọi công sức cho việc tuyên truyền, trong đó có việc xây dựng những thần tượng chỉ có thật một phần hoặc hoàn toàn không có thật! Còn khi đã giành được vị trí độc quyền lãnh đạo đất nước như lâu nay thỉ Đảng và nhà nước Việt Nam lại ra sức ngăn chăn, dập tắt, khống chế, bôi bẩn, xuyên tạc… mọi cá nhân có thể trở thành hình ảnh đẹp trong lòng mọi người bởi sự dấn thân của họ, sự dũng cảm, lòng yêu nước, yêu tự do, dân chủ, công lý, sự thật và niềm khát khao mong muốn vận mệnh đất nước thay đổi ở họ. Có bao nhiêu người dám đứng lên phản kháng lại chính quyền mà chưa có kinh nghiệm cay đắng về điều này? Từ tướng Trần Độ, cụ Hoàng Minh Chính, cụ Nguyễn Hộ, nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà văn Dương Thu Hương cho đến Thượng toạ Thích Quảng Độ, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, nhà báo tự do – blogger Điếu Cày, luật sư Lê Công Định, nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ v.v… Có bao nhiêu ví dụ cụ thể rành rành cho những trò chơi bẩn mà Đảng và nhà nước Việt Nam đã dành cho những con người này và bao nhiêu người khác, từ bôi bẩn về đời tư, xuyên tạc, vu khống, cô lập, quản thúc tại gia, gây khó dễ về công ăn việc làm, bắt bớ, giam cầm với những tội danh khác v.v… Có điều gì mà Đảng và nhà nước Việt Nam không dám làm, kể cả những trò không ai có thể hình dung được như cho người quăng mắm thối, ném chất bẩn vào nhà cụ Hoàng Minh Chính, nhà chị Trần Khải Thanh Thuỷ, tạo ra những vụ tai nạn xe như vụ tai nạn của linh mục Chân Tín và ông Nguyễn Ngọc Lan, ném phân và cho cả phụ nữ vào bóp chỗ kín của các sư như vụ Bát Nhã, lệnh cho báo chí quốc doanh viềt hàng loạt bài công kích Thượng toạ Thích Quảng Độ cho tới Giám mục Ngô Quang Kiệt, tệ hại hơn là viết bài bôi nhọ đời tư, vu khống từ luật sư Lê Thị Công Nhân cho đến blogger Điếu Cày, dựng lên những vụ án trốn thuế như vụ án của Điếu Cày, vụ án nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ “gây rối trật tự và hành hung người khác” với những bằng chứng giả, những tấm hình được cạo sửa v.v… Đó là những năm gần đây, khi internet đã phát triển, thông tin dù có bị bưng bít vẫn lan ra ngoài, còn trước đó, những năm 30, 40, 50, 60, 70, 80… có bao nhiêu vụ việc mà người dân không biết và cũng chẳng bao giờ biết?
Với kinh nghiệm bao nhiêu năm chiến đấu trên cả hai mặt trận vũ trang và chính trị trước khi giành được chính quyền, cộng thêm kinh nghiệm bao nhiêu năm giữ vị trí độc quyền lãnh đạo đất nước này, Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam hiểu rất rõ sức mạnh của sự tuyên truyền và tác động của những hình tượng đẹp trong lòng người dân. Chính vì vậy chính sách của họ trước sau như một là kiểm soát chặt chẽ, lèo lái hướng dẫn dư luận, sẵn sàng bịa đặt, dối trá nếu những dối trá đó có lợi cho họ, chống đến cùng sự thật nếu những sự thật đó có hại cho họ, và không bao giờ để cho một hiện tượng nào hay một cá nhân nào trong phong trào phản kháng, phong trào dân chủ có thể trở thành hình tượng hay thần tượng trong mắt người dân!