Một Đêm Trăn Trở Cùng Hà Nội
Hànội đã vào đêm. Từng đợt gió mùa cuối cùng rơi rớt còn lại, lạnh đến se sắt. Những giọt mưa bắt đầu nặng hạt, lòng đường nhầy nhụa, nhớp nháp. Những bước chân bóp bép trong đêm thâu, càng tạo cho lòng người cô độc và lạnh đến ghê sợ. Đêm Hànội thật tĩnh mịch. Tôi đã sống với Hà nội một đêm như vậy.
Tôi đi bộ theo những mái hiên. Tôi nghe thấy tiếng tí tách của mưa rơi, Hà nội đã đi vào giấc ngủ, một giấc ngủ chập chờn và trăn trở. Trong cái chập chờn ấy, tôi đã gặp một chú bé đánh giầy, ôm đồ ngủ gục dưới mái hiên., tấm áo che thân mong manh rách toạc bờ vai, như cuộc đời phiêu bồng của chú. Hai tay cậu bé ôm chặt thùng đồ như sợ ai cướp giật. Trong bóng đêm, tôi lặng lẽ nhìn tấm thân gầy gò thật tội nghiệp của chú bé, lúc ẩn lúc hiện dưới ánh đèn đường vàng vọt, đu đưa theo chiều gió. Và đâu đây, tôi nghe thấy tiếng kêu gào thảm thiết của những lá non sớm lià khỏi cành, phải chịu đựng những phong ba của mưa, của gió và bão táp. Tôi lặng lẽ cởi khăn quàng trên cổ mình, nhẹ nhàng cuốn vào cổ chú, cậu bé khẽ cựa mình, vòng tay càng xiết chặt thùng đồ hơn.. Bất chợt cậu bé choàng mở mắt, nhìn tôi sợ hãi, chạy vụt vào trong bóng tối. Tôi đứng như trời trồng, nhìn theo những bước chân xiêu vẹo của cậu bé. Tôi nghĩ: không biết tôi cần phải có bao nhiêu khăn ấm, mới đủ cho các em bé cù bất cù bơ đêm nay. Không gian trở lại yên tĩnh, những bước chân cậu bé lạc vào đêm xa dần và mất hẳn. Từng cành lá non trao đảo ở trên cây như thiếu đi sự sống, và dường như chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng quật ngã chúng.Tôi bước đi thật chậm, xa xa vọng lại tiếng ru hời, bất chợt tôi nhìn lên một ngôi nhà sang trọng, ánh đèn mầu lung linh, như đùa cợt với những ánh đèn mờ mờ của những nhà bên cạnh. Đúng là trong một khoảng khắc, tôi đã bắt gặp hai khung cảnh của hai đứa trẻ Hà nội, những đứa trẻ bất hạnh, và những đứa trẻ sống trong lầu son… Và tôi cũng nghe thấy tiếng đàn ai oán của một nghệ sỹ nào đó, vọng trong đêm thật não nùng, thật chua xót. Có lẽ trong bóng đêm, người hà nội mới diễn tả hết nỗi lòng của họ. Tôi đi qua những khách sạn mini với những ánh đèn mầu nhợt nhạt, tôi nghe đon đả những tiếng mời chào của các cô gái làm tiền. Nhìn những khuôn mặt có lẽ chưa đến tuổi trưởng thành, phờ phạc ,thật tội nghiệp. Trong bóng đêm nhạt nhoà ấy, tôi cũng kịp nhận ra mấy vị cán bộ cấp cao của các tỉnh về họp trung ương, đang tìm trò lạc thú. Tôi bước vội qua những nhà hàng thâu đêm, những phòng trà mờ ảo. Tôi trở về màn đêm tĩnh mịch của Hà nội. Đêm nay Hà nội thức hay ngủ? dưới chân tôi là lớp bùn nhầy nhụa.của đường phố, trong gió, trong mưa ấy, từng cánh hoa trắng tinh rơi lả tả dính chặt vào những lớp bùn dơ bẩn. Tôi thao thức cùng Hà nội đêm nay, Hà nội đang bị đẩy lùi về quá khứ. Người hànội đang bước những bước chân "rời rã" trong đêm tối. Và đêm nay, tôi cũng đang "rã rờì" bước theo những bàn chân ấy. Tôi đã đến bờ sông Hồng. Dòng sông từ ngàn năm vẫn âm thầm mang phù sa bồi đắp cho đồng bằng bắc bộ, và nuôi sống mấy chục triệu đồng bào miền bắc. Nó chứa đựng bao kỷ niệm vui buồn của người Hà nội. Tôi giật mình nhìn ra khỏi bờ đê, cả vùng ven sộng náo động. Một công trường lớn xây dựng nham nhở ngoài bãi sông. Từng đoàn người đang vận chuyển gạch ngói, beton, vật liệu xây dựng, họ hì hục đào móng xây dựng hàng loạt các công trình lớn nhỏ. Tôi lại gần một cụ thợ nề già nhễ nhãi mồ hôi, mặc dù ngoài trời rất lạnh.Tôi hỏi cụ:
- Sao lại xây nhà ngoài đê hả cụ? không sợ nước sông cuốn đi sao?
Cụ già nhìn tôi từ đầu đến chân, có lẽ cụ nhận ra tôi vừa từ xa về, nên thủng thẳng đáp:
- Chú ở xa mới về không biết chứ, Hà nội bây giờ đang sốt đất ,nhà cửa. Ai tranh thủ bán được là bán. Ông chủ tịch xã, quận, huyện, thành phố, đều có quyền bán đất của công hết. Chú nhìn sang bên kia "cụ già chỉ tay về phía mấy ngôi nhà vừa xây xong" Đây là đất của mấy ông bên Từ liêm bán cách đây mấy tháng. Còn những ngôi nhà lụp xụp kia là của con cháu mấy ông bà có vai vế, ra cắm dùi chờ cơ hội để xây.
Tôi trơn tròn mắt hỏi: Thế chính quyền không nói gì hả cụ?
- Có chứ, nhưng chỉ lấy lệ, vì ông bà nào mà chẳng có dăm ba miếng đất công biến thành riêng ở đây. Do vậy không ai nói được ai.
Vậy đấy, Hà nội đang mất dần, họ biến của công thành của riêng, họ xây, và họ phá, bất chấp mọi hậu qủa của thiên tai. Hà nội đang chìm dần vào cơn ác mộng. Tôi trở lại Ba đình, nơi mà có những bộ óc tự cho là vĩ đai nhất loài người. Nơi đây có vườn Bách thảo, tự khép mình, nhường chỗ cho nơi yên nghỉ vĩnh viễn của vị lãnh đạo tự cho mình là thiên tài. Tiếng chim muông, tiếng rì rào của cây, của gió, làm mát rượi cả góc trời Hà nội không còn nữa. Vườn Bách thảo nơi vui chơi của các em bé Hà nội nay chỉ còn trong mơ. Chùa Một cột bị nghiêng một góc, bởi đóng cột móng, để xây công trình bảo tàng. Dưới ánh đèn chói lọi đến chua chát ấy, tôi cũng nhìn thấy hình hài của con người vĩ đại. Tôi tần ngần thầm nghĩ: ngôi nhà này có lẽ cũng đủ chứa hết các em bé hà nội đêm nay phải ngủ vật vã ngoài đường giá lạnh. Và dưới chân tôi từng chiếc lá non rơi lả tả. Ngẩng đầu lên, tôi chỉ thấy một con quạ đen, đang lấy mỏ vặt và rứt đi từng chiếc lá non của mùa xuân, đang bắt đầu nở, rồi cất lên tiếng kêu man rợ trong đêm.
Bầu trời Hànội, đêm nay không trăng, không sao. Bầu trời như túi khổng lồ chứa đầy bão tố, phong ba, sẵn sàng trút vào đầu người hà nội….. Và trong tiếng rì rào của gió, tiếng tí tách của mưa rơi, cũng không át đi được những tiếng thở dài, đang quặn mình trăn trở của người Hà nội.
ĐỖ TRƯỜNG