Khi nhà văn Phạm Đình Trọng vĩnh biệt đảng Cộng sản
Bùi Tín viết riêng
cho VOA
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-11-30-voa11.cfm
30/11/2009
|
Nhà văn Phạm Đình Trọng vừa tuyên bố từ bỏ đảng cộng
sản. Tin này đang làm xôn xao hàng ngũ các nhà văn,
nhà báo, cựu chiến binh và anh chị em trí thức, sinh
viên và học sinh ở trong nước. Vì Phạm Đình Trọng là
một khuôn mặt được quen biết rộng rãi, một nhà văn
của quần chúng, một nhà báo gắn liền với thời sự quê
hương, một nhà thơ có cốt cách dân gian, được tuổi
trẻ ngưỡng mộ, gần đây được cư dân bloggers trong
nước quý mến.
Tôi quen biết Phạm Đình Trọng từ cuối những năm 70,
khi anh là sỹ quan thông tin, thỉnh thoảng gửi tin
và lời bình luận cho báo Quân đội Nhân dân.
Trọng rất chịu khó đi, đi nhiều và đi xa, có mặt ở
những địa điểm hiểm yếu, ít người đến được. Anh từng
đi dọc Trường Sơn, cả phía Đông và phía Tây, xuống
tận Hòn Khoai, đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, ra tận
Trường Sa, rồi lên tận Vị Xuyên, Hà Giang khi còn
nặng mùi thuốc súng. Tôi còn nhớ những sổ ghi chép
dày của anh và chiếc máy ảnh khoác vai; một nhà báo
xông xáo nhưng trầm tư, con người sống sâu sắc, lại
rất tình cảm.
Tôi cũng có dịp ghé quê anh, ở huyện Tiên Lữ, Hưng
Yên, quê của nhãn lồng, nhãn tiến, với những đầm sen
thơm nức, và làng Thiện Phiến của Trọng, nổi tiếng
về táo, quả táo ta tròn mọng, thơm béo, xâu từng
chuỗi dài, đông khách mua ở cổng trường trung học.
Trọng học Đại học Văn, từng qua Trường Viết Văn
Nguyễn Du, rồi về làm báo ở Thời báo Tài chính.
Trọng có những tác phẩm gây tiếng vang, do tính ngay
thật của anh, "dọc đường thấy chuyện bất bình chẳng
tha"...
Cuốn "Rừng và Biển" và "Sự Tích Đảo" kết hợp khoa
học với trữ tình được bạn đọc trẻ ưa thích. Cuốn "Thời
nghịch lý" tô đậm thời sự nóng hổi đất nước gây
nhiều tranh cãi. Bài báo "Tiếng Hà Nội " của anh làm
xôn xao giới giáo dục và học sinh. Nhưng bài báo dài
gây phản ứng mạnh, đồng tình mạnh mẽ mà phản ứng
cũng gay gắt là "Ăn Mày Dĩ Vãng "trên mạng Talawas,
đề cập đến cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh
mà tác giả cho là giả dối, một vở kịch suy đồi, đầy
tính chất đạo đức giả.
Phạm Đình Trọng gần đây trở thành một gương mặt kẻ
sỹ Bắc Hà mang bản chất phản biện khá quyết liệt.
Con người của Trọng có tư chất đấu tranh sâu sắc còn
ở chỗ anh là một chiến sỹ, một "con nhà võ" có nòi,
vì quê anh có nhiều lò võ cổ truyền, bản thân anh
rất sùng võ nghệ, anh từng luyện võ gian khổ, thành
một võ sư quyền thuật cổ truyền.
Ngày 3-3-2009,
nhà báo Phạm Đình Trọng gửi lá thư cho thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng góp ý, kiến nghị, chất vấn, nhân
danh một công dân, về những chuyện lớn lao của quốc
gia, từ chống tham nhũng đến bảo vệ chủ quyền, lãnh
thổ, biển đảo của tổ quốc, về chủ trương nguy hiểm
tệ hại khai thác bô-xít trên Tây Nguyên...
Ngày 20-11-2009, khi Phạm Đình Trọng tuyên bố công
khai vĩnh biệt đảng Cộng sản sau gần 40 năm trong
đảng, tôi cho là một bước tất yếu.
Cũng như ông Trần Độ từ bỏ hết danh nghĩa hão huyền
trung tướng, hàng tá huân chương vô duyên, danh
nghĩa đảng viên mai mỉa, để trở về với quần chúng và
lẽ phải, đòi lại quyền tự do cho bà con mình; như
ông Hoàng Minh Chính từ bỏ đảng cộng sản để trở về
xây dựng đảng dân chủ (mới) của thế kỷ 21, như hàng
trăm ngàn đảng viên từ bỏ sinh hoạt đảng cộng sản,
ngấm ngầm vĩnh biệt đảng, quay lưng lại với đảng.
Hãy nghe ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh và ông trưởng
ban tuyên gíáo Tô Huy Rứa la trời lên về hiện tượng
"nhạt lý tưởng", "nhạt đảng" lan tràn trong đảng, về
hiện tượng đảng bị suy yếu, xói mòn, khinh thị và
chê bai bởi nhân dân, về nguy cơ mà bộ chính trị
cộng sản gọi là "tự diễn biến hoà bình", nghĩa là tự
nó rã rời, rữa nát, tự nó phá nó từ nhũng căn bệnh
hiểm nghèo trong lục phủ ngũ tạng, nặng nề nhất là
bệnh quan liêu, tham nhũng, cướp đất cướp của của
dân, cậy quyền thế áp bức hà hiếp dân đen, kết bè
phái để làm giàu trên tiền của của đất nước và nhân
dân.
Cái danh nghĩa "đảng viên cộng sản" càng thêm tủi
nhục khi trong thế giới văn minh đã kết luận rành
rọt rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội hiện
thực (bao gốm toàn phe XHCN trước đây mà đảng CS
Việt nam là một thành viên) là tội ác lớn nhất, là
sai lầm lịch sử lớn nhất trong thế kỷ 20.
Xin hãy nghe ông Đặng Quốc Bảo, từng là trung tướng,
uỷ viên trung ương đảng Cộng sản, trưởng ban Khoa
giáo trung ương đảng, từng từ bỏ chức Bí thư thứ
nhất Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh, phát biểu đầu
năm nay: "Sai lầm lớn nhất của Đoàn thanh niên CS
năm 2008 là đã giới thiệu 15 vạn thanh niên vào đảng
cộng sản, mà đều không phải là thanh niên ưu tú, lại
toàn là thanh niên cơ hội, vào đảng chỉ do động cơ
vụ lợi cá nhân"...Một nhận định sâu sắc, điểm đúng
huyệt, từ bên trong.
Cho nên nhà văn Phạm Đình Trọng chào vĩnh biệt đảng
Cộng sản đâu là chuyện lạ. Sẽ còn nhiều, rất nhiều
đảng viên Cộng sản vỡ mộng, tự trọng, kiên cường
chọn cho mình con đường danh dự mà lương tâm và lòng
yêu nước trong sáng mách bảo.
Từ Pháp, nhân danh người từng quen biết anh, cũng
từng vỡ mộng từ trong đảng Cộng sản để trở thành nhà
báo tự do của nhân dân, tôi xin ngả mũ kính chào
anh, một nhà văn tự do cao quý!