Fax: +493046795841Email: thongtinberlin@gmail.comTel. +4917678132650

www.thongtinberlin.de - www.thongtinberlin.net - www.dvtnradio.com - www.dvtnradio.de

 

Việt Nam giữ thăng bằng giữa Mỹ và TQ

Việt Nam giữ thăng bằng giữa Mỹ và TQ

 

Việt Nam vừa kỷ niệm 35 năm kết thúc chiến tranh chống Mỹ

"Bắc Kinh đang dồn Việt Nam vào thế phải tìm kiếm ảnh hưởng trong khu vực" với các hoạt động ngoại giao - quốc phòng của Hà Nội gần đây được các quốc gia láng giềng theo dõi chặt.

Báo Thái Lan tờ Bangkok Post vừa đăng bài của tác giả Luke Hunt phân tích quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau các diễn biến mới nhất.

Tác giả, một nhà báo theo dõi tình hình Đông Nam Á nhiều năm nay, nhận định rằng Việt Nam đang tăng cường quan hệ quân sự với Nga và Hoa Kỳ phần nào để đối phó với Trung Quốc nhưng vì kỳ Đại hội Đảng sắp tới nên bước đi tiếp là gì thì chưa rõ.

Theo ông, việc mở rộng quân sự của Bắc Kinh đang dồn Việt Nam vào thế phải tìm kiếm ảnh hưởng trong khu vực và giải tỏa quan ngại của những người chống Trung Quốc ở trong nước.

"Để làm được việc đó, Hà Nội đã tăng cường quốc phòng thông qua một loạt thỏa thuận mua bán vũ khí với Nga trị giá nhiều tỷ đôla ký hồi tháng 12 năm ngoái tại Moscow. Trong đó có sáu tàu ngầm hạng kilo và tới 20 chiến đấu cơ Su-30."

Bài báo nói hợp đồng này chưa hẳn sẽ được thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt vì Việt Nam cũng đang mời chào Nga tham gia vào lĩnh vực dầu khí của mình.

Tuy nhiên điều chắc chắn là những động thái đó không thể làm hài lòng Trung Quốc, nước ông Hunt gọi là "láng giềng giàu có nhất và kẻ thù lâu đời nhất" của Việt Nam.

Tiếp ngay sau đó, vào tháng Ba, tàu chiến Hoa Kỳ USNS Richard E Byrd có chuyến thăm lặng lẽ nhưng mang tính lịch sử tới Việt Nam, vì tàu đã đậu cảng sửa chữa trong 16 ngày liền.

Thông điệp gửi tới cho Bắc Kinh thật rõ ràng, rằng Trung Quốc không thể tự cho mình quyền làm chủ Biển Đông.

Keith Loveard từ hãng tư vấn về an ninh khu vực Concord Consulting, trụ sở ở Jakarta, nói Bắc Kinh chắc không mấy ngỡ ngàng trước các động thái của Việt Nam.

Theo tác giả Luke Hunt, phe thân Trung Quốc trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam khá mạnh và có đầu óc thực tế.

Thương mại song phương Việt-Trung dự tính sẽ đạt 25 tỷ đôla Mỹ trong năm 2010, nhưng cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.

Thâm hụt thương mại của Việt Nam trong buôn bán với Trung Quốc lên tới 11 tỷ đôla trong năm ngoái, cho thấy sự thống lĩnh của Trung Quốc.

 

Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ Hồ Cẩm Đào

Các nhà quan sát đang đánh giá ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tại Việt Nam

Màn thăng bằng tinh xảo

Gavin Greenwood, phân tích gia về an ninh khu vực tại công ty Allan & Associates đặt tại Hong Kong, nói rằng nhiều người Việt Nam cho là chính quyền đang "phản bội lại quá khứ" để theo đuổi một số thành tựu về kinh tế mà nhiều người cho rằng chẳng mang lại gì tốt đẹp cho Việt Nam về mặt lâu dài.

Ông Greenwood cũng nhận xét rằng từ năm 2007, khi chính phủ Hà Nội trao thầu dự án khai thác bauxite cho công ty Trung Quốc Chinalco, tinh thần chống Trung Quốc lên cao nhanh chóng ở Việt Nam.

Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, người mà cho tới nay vẫn được giới phân tích nước ngoài cho là nhân vật có ảnh hưởng đặc biệt trong sinh hoạt chính trị Việt Nam, đã chỉ huy 'một dàn đồng ca' các cựu chiến binh chỉ trích chính phủ quy thuận Bắc Kinh và chủ nghĩa tư bản.

Bài báo nói 'dàn đồng ca' này đang lớn tiếng hơn trước trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XI dự kiến sẽ họp vào đầu 2011.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận thức được điều này, và theo phân tích của ông Greenwood, thời điểm để lãnh đạo Việt Nam ký hợp đồng mua vũ khí của Nga có thể phản ánh quan ngại chính trị nội địa hơn là về nhu cầu quân sự thực tế.

Việc tăng cường quân đội trong năm trước Đại hội, theo ông, được phe thân Trung Quốc tính toán là sẽ trấn an các giới chỉ trích, làm ra vẻ Việt Nam đang mạnh dạn đối đầu với Bắc Kinh.

Ông cũng nói đây là chiến lược Việt Nam đã sử dụng nhiều lần trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tuy kịch bản nay có thay đổi đi đôi chút với vai trò của Mỹ trở lại vùng.

Chiến hạm của Hoa Kỳ-hình tư liệu

Chưa rõ sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Việt Nam sẽ có tác động đến chính trị vùng ra sao.

Chuyên gia Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, Giáo sư Carl Thayer thì nói nỗ lực quan hệ với cả hai phía của Việt Nam là một màn thăng bằng tinh xảo.

"Việt Nam vừa tiến hành đối thoại cao cấp về chính trị-quân sự với Hoa Kỳ. Nhưng trước đó, Hà Ṇôi lại đón tiếp một đoàn cao cấp của Quân đội Trung Quốc."

Ông Thayer cho rằng phe thân Trung Quốc ở Việt Nam không phản đối quan hệ thương mại-kinh tế với Mỹ và các tàu Mỹ tới thăm Việt Nam đều không thuộc loại trực tiếp tham chiến.

Thế nhưng nếu Hoa Kỳ tiến bước nữa thì sẽ nảy sinh những kịch bản mới phải cân nhắc.

Hoa Kỳ đã đề cập khả năng ký với Việt Nam thỏa thuận về cung cấp dịch vụ Acquisition and Cross Service Agreement (ASCA), cho phép trao đổi dịch vụ hậu cần và cung ứng.

Loại thỏa thuận này Mỹ thường chỉ ký với các nước đồng minh.

Điều chưa rõ là Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào khi các tàu Mỹ thường xuyên vào sửa chữa và sử dụng dịch vụ ở cảng biển của Việt Nam.

 

Nguồn: BBC


<< trở về đầu trang >>
free counters