|
![]() |
Người biểu tình bị bắt sáng 17-07-2011 tại Hà Nội. |
Những cuộc đàn áp thẳng tay, đặc biệt với ngay cả "cái nôi của cách mạng" là Hà Nội, đang dẫn cảm giác trực quan của người dân Việt Nam yêu nước đối với Đảng CSVN đến một thái độ đối kháng và chất vấn.
Chất vấn ở đây có thể hiểu một cách rõ ràng là chất vấn để xem ĐCSVN có còn chính danh lãnh đạo đất nước này nữa hay không, và đối kháng lại một thế lực đang kềm giữ đất nước trong nguy cơ biến tổ quốc và dân tộc thành nô lệ.
Trong thông tin của các nhân sĩ trí thức ký ngày 2/7 chuyển cho Bộ Ngoại Giao ngày 4/7, yêu cầu làm rõ những gì diễn ra trong chuyến đi Trung Quốc của Thứ trướng ngoại giao Hồ Xuân Sơn ngày 25/6, là điều mà mọi người yêu nước thao thức chờ đợi được minh bạch. Họ khát khao là chính phủ của mình, là một chính phủ dù yếu, nhưng vẫn là một chính phủ có tinh thần chủ nghĩa dân tộc, không hèn hạ, không bán nước.
Thế nhưng lần trả lời ngày 13/7 cho riêng tướng Vĩnh (mà vị tướng này đã từ chối đối thoại song phương), và ngày 17/7, qua cuộc đàn áp biểu tình, người ta suy đoán rõ nội dung mà ông Hồ Xuân Sơn thảo luận, con chốt thí ra mặt chịu nguyền rủa thay cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là sự đớn hèn, thỏa hiệp với Bắc Kinh.
Đảng một bên - nhân dân một bên
Công an mật vụ Việt Nam rõ ràng được "bật đèn xanh"
trong một chiến dịch chà đạp tinh thần người Việt. Thảm
cảnh diễn ra ở cả hai đầu Saigon và Hà Nội. Tát, đánh,
đạp và bắt, sách nhiễu bằng thẩm vấn, điều tra như kẻ
thù... diễn ra suốt từ ngày 17/7 đến nay. Người yêu nước
liên tục thông báo cho nhau những điều mà chỉ có ở một
chế độ tay sai mới có thể hành động như vậy.
Tin chưa được kiểm chứng là khi được biết Saigon bị
kềm chặt, các nhân sĩ trí thức không thể ra khỏi nhà, Hà
Nội đã "chi viện".
Có 5 nhân sĩ do Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập tủ
sách dòng họ, dẫn đầu vào Nam trong ngày 17/7 để thể
hiện tình đoàn kết, nhưng đã bị chặn từ sân bay Tân Sơn
Nhất.
Hơn nữa, lần đầu tiên, hai lá cờ vàng và đỏ đã đứng
cùng với nhau trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
hình ảnh đó xuất hiện trong cuộc biểu tình lần thứ ba
chống Trung Quốc của người Việt ở Hamburg, Đức, vào ngày
16/7.
Những xung khắc về lý tưởng và quá khứ đang dần được
xếp lại trước một mối nguy chung của dân tộc và tổ quốc.
Kẻ thù rất rõ, đó là Trung Quốc và những kẻ đang bán
mình cho Trung Quốc.
Rõ ràng, tất cả đều đứng về một phía, chỉ còn lại Đảng CSVN ở phía bên kia, cùng Bắc Kinh.
![]() |
Người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội sáng 17/7/2011. |
Biểu tình trong tinh thần mới
Những lời kêu gọi cho một cuộc tuần hành đẹp "như một
giấc mơ" bằng những chiếc áo dài và tinh thần như một
ngày hội đang biến nỗi sợ hãi tan biến, dẫn đến một bước
mới. Sự cống hiến cho tổ quốc đầy trân trọng hơn nữa.
Dự kiến ngày 24/7 này, sẽ có nhiều người xuống đường
với tâm trạng phấn khích và thách thức hơn, do hình ảnh
thiếu nữ miền Nam với chiếc áo dài bị bắt quăng lên xe
như một con vật. Hay một thanh niên trí thức miền Bắc bị
đạp vào mặt như súc sinh.
Việc sử dụng các thành phần cặn bã của xã hội để đối
phó với nhân sĩ, trí thức, thanh niên sinh viên yêu nước
đã giúp bùng cháy lên một ngọn lửa đối kháng mới: Sự đối
kháng đòi chế độ phải xác lập lại tư cách văn minh của
mình trước dân tộc, tố quốc, hoặc viết rõ tên mình trong
lịch sử là một chế độ ngụy quyền.
Mức độ của các cuộc biểu tình, giờ đây khác nhiều so
với trước. Không những lên tiếng chỉ thẳng âm mưu xâm
lược của Bắc kinh trên Biển Đông, mà tâm thức của mọi
người là đòi hỏi sự minh bạch của Nhà nước, Đảng CSVN
trước tình hình mới.
Là người dân yêu nước mình, không ai không sửng sốt
và âu lo trước hàng đống chuyện trống đánh xuôi, kèn
thổi ngược của hệ thống lãnh đạo. Đầu tháng 6/2001, khi
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tuyên bố “Hải Quân Việt Nam
sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình,
độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam",
thì ngay lập tức Thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh
tuyên bố "“Quân đội theo dõi, giám sát chặt chẽ không để
vụ việc leo thang nhưng không tham gia giải quyết.”
Cũng trong thời gian ấy, ngày 8/6/2011, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng lên truyền hình tuyên bố rằng sẳn sàng mọi hình
thức hợp tác đa phương để bảo vệ chủ quyền đất nước, thì
ngay sau đó, Hồ Xuân Sơn - Nguyễn Phú Trọng đã trình
diễn màn đi đêm tuyệt luân với Bắc Kinh đến mức Phi Luật
Tân đã trở nên hết sức cô đơn trong cuộc họp tháng 7 tại
Bali, Nam Dương, với chủ đề Tuyên bố của các bên về ứng
xử ở biển Đông (DOC).
Sẽ là một ngụy quyền đích thực?
![]() |
Rất đông người biểu tình bị bắt đưa lên xe buýt sáng 17-07-2011 tại Hà Nội. |
Trong cuộc họp cấp cao đó, giữa Asean và Trung Quốc,
người ta nhìn thấy rõ sự rụt rè của Việt Nam về các vấn
đề biển Đông, đường lưỡi bò...
Nói một cách khác, điều gì đó bí ẩn trong nội dung
cuộc "đồng thuận" của Hồ Xuân Sơn, đại diện cho các phe
nhóm thân Bắc Kinh trong nội bộ Đảng CSVN, đã khiến cuộc
họp ở Bali, và có lẽ sắp tới nữa, được quy ước rõ ràng:
Asean đồng nghĩa sẽ không có tiếng nói của Việt Nam, và
Trung Quốc thì thoải mái hơn với vai trò "song phương"
với Việt Nam.
Những câu chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" kể
trên, cũng cho thấy rằng nội bộ Đảng CSVN đang chia rõ 2
phe, một bên ngã về Trung Quốc, và một bên ngã về khuynh
hướng của các nước tư bản. Dĩ nhiên, cũng còn một phe
luôn lập lờ và chờ thời cơ như phe Trương Tấn Sang.
Nhưng cuộc đấu đó, đâu phải là điều nhân dân Việt Nam
mong muốn? Điều mà bất kỳ người dân Việt Nam nào có
lương tri cũng hiểu, rằng sớm muộn gì, với một hệ thống
lãnh đạo chỉ đấu đá để giành quyền lợi, quyền lực của Hà
Nội hiện nay, chế độ CS Trung Quốc sẽ lợi dụng để sớm
nuốt chửng Việt nam.
Đảng CSVN vẫn gọi các chế độ trước mình là ngụy quyền.
Họ gọi các chế độ đó đầy tham nhũng, hôm nay tham nhũng
trong chế độ CS đã gấp chục lần. Đảng CS gọi các chế độ
đó là bán nước, thì hôm nay, cách bán nước của Hà Nội
thậm chí còn được Trung Quốc dẫn chứng bằng giấy trắng
mực đen.
Đảng CSVN nói nhân dân đã đứng lên chống lại các chế
độ đó. Ngày 9.1.1950, ở Saigon có Trần Văn Ơn, nhưng
ngày 17.7.2011 ở Hà nội cũng có Nguyễn Trí Đức bị đạp
vào mặt.
Ngày 25.8.1963 ở Chợ Bến Thành có Quách Thị Trang với
chiếc áo dài thì ngày 17.7.2011 ở Saigon cũng có Jerry
Phan, cô giáo Linh bị bắt bỏ lên xe bít bùng... mọi hạng
mục của cái gọi là một chế độ ngụy quyền bán nước, giờ
đây đều đã áp dụng đủ cho Hà Nội.
Cuộc biểu tình lần 8, dự kiến ngày 24/7 trong cả nước,
kể cả sau đó, sẽ là một lời giải mới cho nhân dân về giá
trị thật của chế độ hiện tại.
Sẽ là khốn nạn, khi ngư dân bị cướp, giết chết trên
biển và các quan chức Trung Quốc Việt Nam lại ôm chặt
nhau hô to tình hữu nghị. Sẽ chính xác là ngụy quyền,
khi nhân dân yêu nước đòi hỏi một nền độc lập chủ quyền
nhưng Đảng ra tay đàn áp.
Tên gọi mới của Đảng CSVN sẽ được viết lại, rõ ràng
nhất trong tâm trí nhân dân Việt Nam và trong lịch sử,
nếu Đảng CSVN không có một thái độ và hành động đúng đắn
từ hôm nay cho tổ quốc, dân tộc.
Là Đảng cầm quyền hay là ngụy quyền, điều này chúng ta hãy cùng theo dõi và cùng gọi tên.
Phan Nguyễn Việt Đăng
(Sài Gòn 23-7-2011)
Nguồn: RFA