“ ĐẠO QUÂN VƯƠNG ”
Thời xưa quân vương được dân tôn trọng, thậm chí tôn sùng, không đơn thuần vì ngôi cao chức trọng hay võ công hiển hách trong thời gian trị vì, mà đa phần vì “họ thương dân như con đẻ, lo trước cái lo của bá tánh, vui sau cái vui của thiên hạ.” Sự tu dưỡng đức hạnh của nhà trị quốc, hay còn gọi là đạo quân vương, là điều mà các minh quân thường làm vì họ hiểu rằng lòng dân chính là mệnh trời.
Thời nay, đạo quân vương tuy không còn đòi hỏi đạo đức khổng giáo hay tinh thần hiệp sĩ khắt khe, nhưng nhà trị quốc vẫn cần trao dồi đức hạnh để bảo đảm sự công bình và chính trực trong công việc điều hành quốc gia. Quân vương ngày nay chịu sự ràng buộc của “khế ước xã hội” mà họ đã mặc nhiên kết lập khi dấn thân vào chốn quan trường, theo đó quyền lực đặt dưới sự chế ước của luật pháp, dù thành văn hay bất thành văn, và chỉ được hành xử vì lợi ích chung của xã hội. Nói cách khác, nhà trị quốc phải biết nguồn gốc và tôn trọng ranh giới quyền lực của mình.
|
Sự chính trực của quân vương thể hiện ở chỗ họ không bao giờ tận dụng các nguồn lực và tài nguyên quốc gia hình thành từ sự đóng góp của dân chúng cho các mục tiêu chính trị cá nhân. Hôm qua họ có thể là người của đảng phái này, phe nhóm nọ, nhưng hôm nay khi trở thành nguyên thủ quốc gia, họ phải bước ra khỏi vòng xoáy của cuộc tranh đua quyền lực để tiếp nhận và thực thi chức trách một cách công bằng, không thiên vị hay bất công với ai, kể cả đối thủ chính trị của mình.
Điều căn bản trong đạo quân vương mà nhà trị quốc ở thể chế nào cũng cần lưu tâm là việc áp dụng những quy tắc ấn định cách ứng xử chung cho toàn xã hội, gọi là luật pháp, chỉ nhằm bảo đảm công lý và duy trì trật tự xã hội, chứ tuyệt nhiên không thể dùng như công cụ để chống hay bảo vệ phe nhóm cá biệt nào.
Ở những xã-hội-dân-chủ, tức là nền dân chủ thực chất và đúng nghĩa, tranh đua quyền lực chỉ diễn ra trong bầu cử tự do. Chương trình tranh cử của mỗi ứng cử viên được tài trợ bởi đảng của họ hoặc từ sự quyên góp tự nguyện của cử tri, tuyệt nhiên không liên quan đến tiền thuế do dân đóng góp.
Thuế chỉ dành cho sự vận hành bộ máy công quyền nhằm phục vụ công việc điều hành quốc gia. Do đó sẽ là bất hợp pháp và bất đạo nếu bộ máy công quyền và luật pháp bị lạm dụng để hỗ trợ cho sự tranh đua quyền lực giữa các đảng phái và phe nhóm.
Còn ở xã-hội-bán-dân-chủ, tức là nền dân chủ còn mông muội hoặc trên danh nghĩa, quyền lực không là đối tượng để tranh đua thông qua bầu cử tự do, mà thay vào đó bị tranh giành bởi các nhóm lợi ích khác nhau dưới “nhãn hiệu” một chính sách tốt đẹp nào đó mà chính phủ đang thực thi, như chống tham nhũng chẳng hạn. Bộ máy công quyền, hệ thống luật pháp, cùng các nguồn lực quốc gia thường bị lạm dụng cho sự tranh giành này, thay vì được sử dụng cho nhu cầu phát triển đất nước.
Chỉ người dân là ngây thơ, bị dẫn dắt từ chiến dịch hay ho này đến chương trình thú vị khác mà không biết rằng khát vọng về một xã hội lành mạnh vừa có đạo lý vừa có công lý của mình đã bị các phe nhóm chính trị lợi dụng để tranh giành bổng lộc và quyền bính.
Thời nào cũng vậy, may mắn của xã tắc là có được đấng minh quân, tức quân vương có đức hạnh. Điều đó một phần tùy ở số phận rủi may của dân tộc, vì có ai biết kẻ cầm quyền khi nào là thánh hiền như vua Thang vua Vũ, lúc nào bạo ngược như Kiệt Trụ đâu mà lường. Do đó, để tránh may rủi, giáo dục luôn là chìa khóa giúp giảm thiểu lối suy nghĩ lệch lạc thường thấy ở kẻ lắm quyền.
Chính hệ thống đào tạo và cử tuyển nhân tài chuẩn mực, chứ không phải thói quen tin tưởng người thuộc vây cánh, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho guồng máy cai trị đất nước những nhà lãnh đạo vừa có năng lực vừa có đức hạnh, làm rường cột cho quốc gia, vì đạo quân vương phải năng trao dồi, chứ không đơn thuần chỉ hô khẩu hiệu hoặc học nghị quyết suông rồi … “quán triệt” hết. Nạn quan tham bất tài vô dụng và mua quan bán tước thường là hậu quả tất yếu của chính sách nhân sự dựa vào lý lịch hay phe nhóm.
Để có một hoàng đế anh minh như Lê Thánh Tôn, triều đình nhà hậu Lê đã phải dày công thực hiện chính sách đề cao cái thực học trong tầng lớp sĩ phu cả thời gian dài. Những nhà trị quốc đi vào lịch sử như minh quân thường là người luôn trao dồi năng lực và đức hạnh để gìn giữ giềng mối quốc gia và làm chỗ dựa cho toàn dân. Lịch sử Việt Nam đã có nhiều minh quân như vậy, chẳng hạn Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tôn ....
Tất nhiên, thời nào cũng có những quân vương bất đạo kiểu Kiệt Trụ, xem quan trường như yến tiệc, chỉ biết tranh dành ghế ngồi để tha hồ đánh chén và bòn rút của cải quốc gia, mà quên rằng sự nhẫn nại của nhân dân chỉ có hạn. Một khi nhà lãnh đạo không còn đủ khả năng tạo dựng niềm tin và gìn giữ sự kính trọng của người dân nữa, thì dẫu có dao kề cổ người ta cũng không thể im lặng mãi được. Thượng bất chính, hạ tắc loạn.
Luật sư Lê Công Định