Video Tài Liệu Audio Tài Liệu Nhạc Tin Tức & Thời Sự Bình Luận

 

Dân trí bao nhiêu cho Dân chủ?

Dân trí bao nhiêu cho Dân chủ?


Nguyễn Trang Nhung

Bài viết này chỉ ra những lý lẽ và phân tích nhằm tìm giải đáp cho câu hỏi được nêu trong tựa đề. Với bài viết này, tôi hi vọng sẽ tháo gỡ được hoàn toàn (hoặc phần lớn) băn khoăn của không ít người về mối liên hệ giữa Dân chủ và Dân trí.

Nhiều người cho rằng để có dân chủ cần có dân trí cao, hoặc ít ra là không thấp. Theo đó, dân trí phải đạt đến một trình độ nào đấy điều kiện cần cho dân chủ. Tuy nhiên, không mấy ai chỉ ra được trình độ nào đấy cụ thể ra sao.

Dân trí được định nghĩa là trình độ hiểu biết của người dân, nói chung[1]. Ở một nước như Việt Nam, đa số người dân sống bằng nông nghiệp, lại ít có điều kiện tiếp cận với tri thức, nên trình độ hiểu biết nói chung – hay dân trí – là tương đối thấp.

Tôi không có ý muốn bàn cãi với những ai phản đối nhận định trên, bởi đó không phải là một trong những điều mà bài viết này hướng tới. Thay vào đó, tôi muốn chúng ta cùng đi đến một khẳng định rằng: Dân trí thấp vẫn có thể có dân chủ.

2. Cuộc bầu cử tại Ấn Độ vào tháng 5 vừa qua đã cho thấy rõ nét về quyền làm chủ của người dân nước này. Mặc dù đa số người dân Ấn Độ sống trong đói nghèo, và bởi thế, không có hoặc ít có điều kiện học hành, nhưng họ vẫn có thể sử dụng hiệu quả lá phiếu.

Trong một bài viết về cuộc bầu cử, Hồng Nga của BBC Việt ngữ đã mô tả một cụ bà 53 tuổi tên là Nila Devi, một nông dân ở làng Chhiattar, bang Bihar nghèo nhất nhì̀ Ấn Độ̣: “Giống như đa phần phụ nữ ở độ tuổi trung niên trong làng, bà Nila không biết chữ và chỉ nhận biết các đảng chính trị theo màu cờ sắc áo. Nhưng bà biết phải bầu cho ai.”[2]

Bài viết dẫn lời nhận xét của một nhà phân tích chính trị địa phương: “Cho dù nghèo đói, người dân ở đây nhận thức rõ ràng về dân chủ.”, và “Dân nghèo ở đây hiểu rằng quyền bầu cử là rất quan trọng, vì thông qua lá phiếu, họ có thể thay đổi cuộc đời.”[3]

Có thể nói, cuộc bầu cử tại Ấn Độ nói riêng và nền dân chủ Ấn Độ nói chung là minh chứng không thể chối cãi cho thực tế rằng: Dân chủ là hoàn toàn có thể ở một nước có mặt bằng dân trí thấp.

3. Nếu hình dung trình độ hiểu biết của một người như một chiếc tủ thì chiếc tủ ấy có nhiều ngăn. Mỗi ngăn của chiếc tủ chứa đựng những hiểu biết về một lĩnh vực nào đấy. Ngăn rỗng thì hiểu biết về một lĩnh vực bằng không, ngăn đầy thì hiểu biết về lĩnh vực ấy trọn vẹn. Trình độ hiểu biết của một người có thể được đánh giá là cao hay thấp, tùy thuộc vào việc chiếc tủ của người đó có các ngăn đầy, không rỗng không đầy, hoặc rỗng ra sao.

Hiểu biết về dân chủ có thể được đặt trong một ngăn. Ngăn này có thể rỗng ngay cả với người có nhiều hiểu biết, chẳng hạn những người có nhiều bằng cấp về các lĩnh vực chuyên môn nhưng lại không có khái niệm gì về dân chủ. Chiếc tủ của cụ bà Nila Devi trong minh họa kể trên có hầu hết các ngăn là rỗng, nhưng ngăn này thì không.

Thay chiếc tủ trình độ hiểu biết của mỗi cá nhân bằng chiếc tủ dân trí của người dân một nước. Ở góc độ dân trí, chỉ cần xem xét ngăn chứa hiểu biết về dân chủ, mà không cần xem xét các ngăn khác hoặc toàn bộ chiếc tủ, để biết người dân nước này có thể làm chủ hay chưa.

Hình dung đơn giản trên đây nhằm cho thấy rằng, để có dân chủ thì vấn đề không phải là dân trí cao hay thấp, mà là hiểu biết của người dân về dân chủ có đầy đủ hay không. Hiểu biết này chỉ là một phần nhỏ của dân trí. Không thể nói dân trí chung chung như một điều kiện cần cho dân chủ.

4. Dân chủ là một quá trình mà ở giai đoạn đầu, để hình thành một định chế với những yếu tố nền tảng đảm bảo cho việc người dân làm chủ thì không đòi hỏi dân trí cao. Song rõ ràng, trong bất cứ giai đoạn nào của dân chủ, dân trí càng cao thì việc thực thi dân chủ càng hữu hiệu. Trở lại hình ảnh về chiếc tủ dân trí, nếu các ngăn về các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, pháp luật,… càng đầy, thì khả năng người dân làm chủ một cách hiệu quả các lĩnh vực này – thông qua việc tác động và (gián tiếp) tạo nên các chính sách Nhà nước về các lĩnh vực, càng lớn.

Đến đây, có thể có ý kiến cho rằng: Cần một nền dân chủ có chất lượng cao ngay từ khi nó mới ra đời, và do đó, chỉ nên có dân chủ khi dân trí đã cao. Điều này tuy có vẻ đúng, nhưng thực tế là sai lầm. Bởi thứ nhất, đợi đến khi dân trí đã cao mới thực thi dân chủ thì sẽ không nhanh tiến bộ bằng thực thi dân chủ sớm khi có thể, và hệ quả là, thứ hai, không nhất thiết cần một nền dân chủ ngay từ đầu đã có chất lượng cao.

Có thể thấy nhiều quốc gia có nền dân chủ khá sớm khi trình độ dân trí không cao, chẳng hạn như Thụy Điển. Một thế kỷ trước đây, Thụy Điển vẫn chỉ là “một nước nông canh lạc hậu, với đại đa số dân chúng sống trong những điều kiện rất nghèo khổ”[4]. Cũng khoảng thời gian ấy, năm 1921 đã diễn ra cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên. Nền dân chủ Thụy Điển từ đó hình thành và dần trở nên bền vững. Đến nay, thành công của nền dân chủ Thụy Điển có thể được dễ dàng nhận thấy qua “những yếu tố dân chủ mạnh mẽ không chỉ trong chính trị quốc gia, vùng miền và địa phương, mà còn ở cả nhà trường, nơi làm việc, trong các tổ chức quyền lợi và các khu vực khác của xã hội”[5].

Chắc chắn rằng, nếu nền dân chủ Thụy Điển chỉ xuất hiện khi dân trí đã cao, thì ngày nay chúng ta đã không có cơ hội được chứng kiến sự thành công của nền dân chủ này đến như thế!

Tán thành việc đợi cho dân trí cao rồi mới thực thi dân chủ tương tự như tán thành việc tích lũy lý thuyết thành đống rồi mới đem ra thực hành, trong khi nếu vừa học vừa hành thì sẽ sớm hưởng được ích lợi từ việc lý thuyết và thực hành bổ trợ cho nhau.

Cũng như thực hành tác động trở lại (qua việc củng cố và có thể làm gia tăng) lý thuyết, dân chủ giúp cho dân trí phát triển. Thực hành dân chủ là cách tốt nhất để người dân kiểm nghiệm lý thuyết về quyền làm chủ quốc gia, đồng thời, kinh nghiệm làm chủ quốc gia có thể giúp người dân đạt được những tri thức mới. Thêm vào đó, xã hội dân chủ cho phép các quyền tự do, mà với các quyền này, người dân có được không gian rộng mở cho sự phát triển cá nhân, trong đó có sự hoàn thiện tri thức. Chẳng hạn, thông qua báo chí tự do và bàn thảo công khai về các vấn đề thời sự, người dân có thể mau chóng thu được những hiểu biết cần thiết trong các lĩnh vực mà mình quan tâm.
5. Kết lại, toàn bộ lý lẽ và phân tích đã nêu có thể được tóm gọn qua ba điểm chính: 1) Dân trí thấp vẫn có thể có dân chủ. Để có dân chủ thì người dân cần hiểu biết về dân chủ, trong đó có quyền làm chủ của mình, hiểu biết này là một phần của dân trí; 2) Dân trí càng được nâng cao thì dân chủ càng được thực thi hữu hiệu, và ngược lại, dân chủ càng được thực thi hữu hiệu thì dân trí càng được nâng cao; 3) Thực thi dân chủ sớm khi có thể thì tốt hơn là đợi đến khi dân trí đã cao.

Cần lưu ý rằng, trong điểm đầu tiên, hiểu biết của người dân về dân chủ chỉ là một điều kiện cần (mà không phải toàn bộ điều kiện) cho dân chủ. Xét từ phía người dân, chỉ riêng hiểu biết này thôi là chưa đủ cho việc người dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

Nếu có hiểu biết về quyền làm chủ nhưng không có ý thức thực hiện quyền này thì có nghĩa người dân đã tự tước đi cơ hội được làm chủ đất nước. Cho nên, chỉ khi hiểu biết về quyền được song hành với ý thức thực hiện quyền, thì mới có hi vọng rằng người dân sẽ trở thành chủ nhân đích thực.

Tại Việt Nam, hiểu biết về dân chủ lẫn ý thức thực hiện quyền làm chủ của người dân còn hạn chế, vì vậy, để tiến tới dân chủ, hai yếu tố này phải được nâng cao. Việc nâng cao cả hai yếu tố sẽ diễn ra rất chậm chạp nếu thiếu đi những điều kiện tác kích. Những điều kiện ấy có thể được tạo ra từ phía chính quyền bằng cách mở rộng dần không gian sinh hoạt dân sự và chính trị cho người dân, để người dân tham gia ngày càng sâu vào việc điều hành xã hội[6]. Bên cạnh đó, chính quyền cần có những đột phá trong việc cải tổ hệ thống chính trị hiện tại để đạt đến một thể chế dân chủ hiệu quả trong tương lai.


<< trở về đầu trang >>
free counters