Cướp đất ở Trường Yên
Trần Khải Thanh Thủy
5 giờ sáng cả thôn Nhật Tiến xã Trường Yên còn chìm trong giấc ngủ say nồng sau một ngày làm việc miệt mài, căng thẳng bỗng tiếng loa dội lên ở khắp làng:
Alô! alô, đề nghị các đồng chí, các tổ, nhóm vào vị trí đã bàn định để lập tức triển khai kế hoạch cưỡng chế đất khu đồng trũng Vũng Voi. Ai có danh sách ở cổng nào vào ngay cổng đó. Alô, alô
Lập tức tất cả chồm dạy, lao ra đồng, bất kể trời đã vào thu se lạnh và đang mưa dầm dề vì ảnh hưởng của cơn bão số 9, dội từ Miền Trung ra. Dăm bảy trăm người nằm trong danh sách 97 hộ được đảng uỷ và chính quyền xã "quan tâm ưu ái", đưa vào diện quy hoạch với giá "đặc biệt": 54.000 đồng /1m2, trong đó có 68 hộ đã dại dột hiến đất cho xã, còn lại 29 hộ cứng đầu cứng cổ, nhất định không chịu bán, với lý lẽ vô cùng xác đáng:
Không bán, bao nhiêu công lao thành tích bị đảng và chính phủ cướp trắng rồi, giờ gia tài duy nhất để lại cho con là mảnh đất nuôi thân. Bán đi để bốc đất mà ăn à?
Dù cán bộ xã cử nhân viên, cán bộ địa chính, trưởng phó thôn đến từng nhà ngọt nhạt xui dại, nhưng 29 hộ này kiên quyết:
Thà chết quyết giữ đất cho con, bán để như nhà nọ nhà kia, nhận về 19 triệu 500 nghìn đồng một sào, con cáu cha, vợ cằn nhằn chồng, rồi anh em dâu rể trong nhà cắn cấu lẫn nhau vì đồng tiền rẻ mạt ấy à? Mất cả sào đất, xã chẳng bù cũng chẳng đền cho đồng nào, chỉ bố thí chưa đầy 20 triệu, bằng 2 m2 giá thị trường hiện tại, dại gì mà bán? Rồi:
Dào ôi - Xã cứ tưởng chỉ toàn "dân ngu, cu đen", nên xã sui gì dân cũng phải nghe à?
Không nghe thì đất còn nhiều
Nghe vào đất đã ...đi tiêu mất rồi
Còn đất 10% ưu tiên cho các hộ gia đình chính sách, khó khăn nữa. Cán bộ chèo kéo
Phải! Bà con bốp chát: - Mua 54.000 1 m2 đất của dân, vừa đủ dăm cân gạo thường nấu cháo loãng cầm hơi trong vài ngày, sau đó sẽ được xã "cầm cân nẩy mực", "đèn trời soi xét", gia đình nào đông nhân khẩu, có thành tích đóng góp từ trước đến nay, hoặc gia đình chính sách, người tàn tật, neo đơn được mua lại 10% diện tích đất xã bán với giá ưu đãi: 3 triệu 600 nghìn đồng 1 m2 đất, đắt gấp 70 lần khi mua...Không hiểu xã ăn gì mà tham thế, còn người dân cứ chịu lép một bề, phải ăn cứt gà sáp mãi hay sao?
Nếu gia đình không bán theo thoả thuận của xã, sẽ phải nộp phạt hành chính 300 nghìn đồng một hộ.
Nộp thì nộp chứ sao? Thà bị xã cướp 300 nghìn còn hơn bị mất cả cơ nghiệp 5 đời 10 đời.
Và bây giờ là kết quả nhỡn tiền, không đối thoại với dân bằng miệng lưỡi trơn tuột, dẻo kẹo, cũng như không sui người dân ăn cứt gà sáp được, chính quyền xã được sự tiếp sức của cán bộ huyện, tỉnh và công an thành phố, đối thoại với dân bằng chuyên chính vô sản.
Khắp khu đồng trũng Vũng Voi dài rộng hơn 8.000 m2 đất bị quây kín bằng hàng rào người, hàng rào tôn, cao 3 m2. Sáu trăm công an, lăm lăm trên tay dùi cui, lựu đạn xịt hơi cay, còng số 8, máy rà mìn, đứng đen đặc như kiến cỏ trước ngày giông bão. Bên cạnh là lực lượng dân quân tự vệ, cánh an ninh xã, hội phụ nữ, cán bộ y tế cùng 3 con bec giê to, cao bằng cả con bê, lồng lộn hung dữ giữa hàng rào công an và đám bà con dân làng. Có vẻ như tất cả kế hoạch đã được dựng lên chu đáo đến từng chi tiết. Từ dùi cui, lựu đạn, đến xe tải, xe con, xe cơ giới, xe ủi, máy xúc, máy ngoạm, tổng cộng 40 chiếc các loại, cho đến cả mảnh vải cầm tay, chứng tỏ một sự tinh nhuệ của đội quân cướp ngày, theo đúng khẩu hiệu đảng nêu: "Không cho chúng nó thoát, không cho chúng nó thoát, công an đã bao vây là dân chúng hết đường lui".
40 xe, chỉ thiếu duy nhất một loại xe cứu thương vì địa bàn cưỡng chế đất nằm ngay cạnh khu trạm xá, nên chỉ cần cử vài cán bộ y tế ra hiện trường, vài người ở lại trạm trực, có gì giải quyết nhanh gọn dứt điểm là xong.
Riêng hội phụ nữ xã đóng vai trò đặc biệt quan trọng, vừa tuyên truyền cổ động vừa giúp dân nhổ lúa, hoa màu trên lô đất trong diện quy hoạch( được mua lại không chịu bán) vừa nhảy vào cầm vải "che râu" bác, mỗi khi có chị em nào uất ức tụt quần, giở vũ điệu truyền thống, "phơi râu mặt hồ", để "bác" không bị nhiễm lạnh, cảm hàn trong điều kiện mưa lũ miền Trung, vừa không ảnh hưởng tới mỹ quan khu đồng trũng, khỏi cản trở kế hoạch thi công:
A lô! A lô! Từ nhiều tháng nay, chính quyền xã đã chủ động đối thoại với dân, mong người dân nhận tiền, nhượng đất để thực hiện dự án với công ty trách nhiệm hữu hạn Thăng Long, nhưng người dân không chấp nhận đối thoại nên hôm nay xã buộc phải thực hiện lệnh cưỡng chế. Đề nghị bà con nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu, ai cố tình chống lại sẽ phải ra trước vành móng ngựa, chịu sự trừng phạt của pháp luật như trường hợp của các xã Ngọc Hoà và Mỹ Hải trước đó, a lô alô... Bên cạnh đội quân tóc dài, lưỡi dài nhưng óc ngắn đang lu loa theo lệnh đảng cướp, là chủ tịch xã Nguyễn Hữu Thái- một chân dung điển hình của thời đại đồ đểu Hồ Chí Minh, cũng ra sức thể hiện vai trò cốt cán của mình nên ra sức chĩa loa về mọi phía, hùa theo đám "kinh nguyệt không đều" hô hào:
Đề nghị các đồng chí chú ý, chặn các ngả đường, không cho ai vô cớ tràn vào ruộng, ảnh hưởng tới tốc độ cưỡng chế.
Trong khi người dân bị cấm quay phim, chụp ảnh, thì tất cả các máy ảnh, máy quay của chính quyền cộng sản lại được phát huy tối đa hiệu quả... Biết rõ sức mạnh đồi bại của độị ngũ đánh thuê này, đứng giữa bầy chó người - người chó, trang bị vũ khí, súng đạn tận răng, tên Thái ra sức hô hào:
Đề nghị các đồng chí công an chú ý, dắt ngay những người không có nhiệm vụ ra ngoài. Đề nghị các phóng viên đài truyền hình quay gần cho rõ mặt, bắt lấy những người chống đối.
Đám con cháu nội ngoại , thương ông bà tiên tổ nằm lại khu đồng này từ hàng chục năm nay tranh thủ nhào xuống ruộng thắp hương cho ông bà cha mẹ để trấn an tinh thần người qúa cố cũng bị hệ thống máy ghi hình và tên chủ tịch bán linh hồn cho đảng cướp, rêu rao:
Đề nghị bà con ra ngay khỏi khu vực cánh đồng để anh em làm nhiệm vụ, cấm không được phép đi lại thắp hương trong khu vực, yêu cầu các đồng chí dân quân tự vệ lôi người thắp hương ra ngoài v.v và v.v Vừa chạy tắt qua vườn, nhào ra ruộng, vập phải hai lớp rào người , rào tôn, số đông bà con khựng lại, trung bình cứ 100 mét lại có một cổng rộng một mét đông đặc người...Từ cổng bưu điện, cổng trạm xá, cổng nhà văn hoá, cổng đồn mộc, cổng bà Ly, cổng trên đường 29 ...tất cả tám cổng, mỗi cổng tập trung từ 20 đến 50 người, để ngăn cản bà con tràn vào khu ruộng của mình theo đúng mô hình của lãnh đạo Trung hoa năm 1979 tại khu vực biên giới phía Bắc: Lấy thịt đè người.
Một số ít quên chết lăn xả vào ruộng của mình, lập tức bị cả rừng dùi cui xông lên, lăm le, xua đuổi, quật xuống. Đầu tiên là chị Trịnh thị Hằng 53 tuổi, mẹ của 6 đứa con, mọi thu nhập của gia đình 8 người đều trông vào hai bãi ruộng, một ở khu đồng trũng Vũng Voi chuyên trồng màu, trồng lúa, một ở khu Yên Ngựa chuyên trồng đào, hôm nay cũng lọt vào tầm ngắm của bọn cướp ngày Trường Yên.
Mắt nhắm, mắt mở từ trên giường, lao xuống đất, chạy tớn ra đồng theo tiếng loa, từ xa chị Hằng đã nhìn thấy 5, 7 đứa con gái trong hội phụ nữ xã nhảy vào ruộng nhổ lúa của mình, nghĩ đến nồi cơm của cả nhà có nguy cơ mất trắng vào tay bọn cướp cướp cạn, chị hộc lên như một con thú bị thương, nhảy đại xuống, giật tóc, dìm đầu mấy con nữ tặc xuống ruộng, la lên:
Sao chúng mày dám cắt lúa nhà tao?
Lập tức chị bị cả đám công an, dân quân sao đỏ ùa xuống, vung dùi cui, quát:
Chị lên ngay, lên ngay nếu không chúng tôi bắt buộc xử lý Xô đẩy vật lộn, giằng kéo, kiên quyết không chịu rời ruộng, nhưng thân phận chị Dậu bé nhỏ như chị, lại bị cả mấy chục thằng lý trường, mặt nạc đóm dày nhảy vào đánh hôi . Không thể nào trụ nổi, chị bị đuổi dạt xa khỏi ruộng cả mấy chục mét, toàn thân trạt bùn đất , tay chân run bắn, tim đập loạn nhịp, thở không ra hơi, người lảo đảo chực ngã, chị đành ngồi thụp xuống bờ ruộng ,dấm dứt khóc vì bất lực, uất hận. Ngay bên cạnh thửa ruộng nhà chị là ông Trần văn Tiến nằm ngửa giữa ruộng , mặt xám xanh vì bị dùi cui đánh, đang uất ức hét lên:
Ối đảng ơi, chính phủ ơi, sao chính phủ nỡ cướp đất của dân thế này?
Bị cả rừng phương tiện gây án giết người theo phương cách giáo dục của đảng vây quanh, ông giơ thẳng tay vào mặt kẻ vừa dí dùi cui vào ngực mình khiến ông bật ngửa giữa ruộng, cố kiết hét lên:
Mày vừa đánh tao một cái rồi nhớ, mày có giỏi cứ đánh chết tao đi, tao nằm thẳng cẳng ở đây cho mày đánh đây này.
Con dâu ông là Nguyễn thị Lan, thấy bố chồng bị đánh vô cớ xông vào lập tức bị tên chủ tịch xã chõ miệng vào loa kêu gọi:
Bắt lấy kẻ chống đối, chị mặc áo trắng kia kìa, bắt lấy.
Lập tức những con thú đội lốt người theo tiếng loa của đồng bọn quây lấy chị, xô đẩy đấm đạp làm chị ngã sấp ngã ngửa, rách toang cả vạt áo trắng đang mặc trên người, không cho chị làm một động tác đơn giản là cúi xuống nâng bố chồng dạy.
Khi bà vợ già của ông đến kêu gào, khóc lóc thì cả đám ruộng trồng rau và trồng lạc đã bị đám đầu trâu, mặt ngựa quần nát. Ác độc và tàn bạo hơn cả cơn bão số 9 đã và đang quần nát miền Trung.
Nhìn ông chồng già nằm thẳng cẳng, con dâu bị đấm đạp ngã dúi ngã dụi, đau đớn không dạy nổi, đám rau cải xanh rờn, chiều chiều bà ra công tưới tắm, vừa kịp bán lứa đầu, nay nát bét, bà ôm mặt khóc rưng rức:
Ôi trời cao đất dày ơi, ối ông bà ông vải ơi! Từ nay cả nhà tôi sống bằng gì?
Không cần thiết phải trả lời câu hỏi qúa thừa thãi, vu vơ của bà, cũng không cần để tâm tới cảnh dở sống, dở dở chết của ông Tiến và chị Lan, đám giặc cướp quay sang bãi ruộng khác để tiếp tục làm cỏ dân làng, cố xứng đáng với số tiền 100.000 đồng mà chúng được chủ cướp đất - tức công ty thương mại Thăng Long thuê.
Đang vơ vẩn trong nhà, bà Nguyễn Thị Hồng chợt nghe tiếng người làng gọi:
Bà Hồng ơi, ra đi, người ta cắt hết lúa nhà bà rồi !
Bàng hoàng, đau đớn, quên cả tuổi 62 la đà bệnh tật, quên cả cái chết của chồng đang đè nặng con tim mình, bà lật đật sấp ngửa chạy ra, miệng la lớn:
Cha tiên sư bố chúng mày , lúa tao còn xanh mà, sao chúng mày giở trò ăn cướp?
Ngay lập tức, bà bị đám lưu manh côn đồ , nhân danh là "bạn dân" lôi bà từ trên cao xuống, không cho bà đứng dậm chân nơi bờ ruộng chu tréo, chửi cha chúng nó...Từ đó bà đi một bước, chúng chặn một bứơc, bà đi xuôi, chúng chặn ngược, bực bội bà phải hét lên:
Tiên nhân bố chúng mày, phải để cho tao gặp người có trách nhiệm hỏi cho ra lẽ chứ. Đất tao bỏ tiền mua, có giấy tờ sổ đỏ do chủ tịch huyện Bùi Anh Tỉnh ký đàng hoàng, tao không bán, không cho, sao tự dưng chúng mày cướp trắng, hở ?
Đáp lại thái độ bực bội phẫn uất của bà, một tên công an trâng tráo đáp:
Bà nói với chúng tôi điều ấy làm gì , ra mà hỏi chủ tịch xã.
Bà trợn mắt, tấm thân gầy guộc run lên:
Thế thì chúng mày xéo đi để tao ra hỏi thằng Nguyễn Hữu Thái xem, nó chui ở đâu ra mà phản dân, hại làng đến mức này, hả? Trong khi vợ con nó nhà lầu xe hơi, ăn trắng mặc trơn, mua đất Hà Nội, sổ tiết kiệm hết quyển này quyển khác, thì bà con nhân dân chúng tao còn mảnh ruộng cuối cùng cũng không giữ nổi cho mình à? Tao có bán đâu? Chúng mày gạ gẫm bao nhiêu lần tao đã bảo : - Có trả 300 triệu một sào tao cũng phải cố giữ để cho con cơ mà, huống hồ chưa đầy 20 triệu. Bây giờ không ăn được thì chúng mày giở trò cướp hả... Tránh ra cho tao đi!
Cả vòng vây của quỷ đảng Việt Nam, quỷ đảng công an lập tức quây kín bà, một tên dằn giọng:
Tất cả đang làm nhiệm vụ, bà không được quyền đi đâu cả
Nhiệm vụ gì? Bà trừng mắt, đay đả: - Nhiệm vụ cướp hả, hay hớm nhỉ? Đời cha chúng mày ăn mặn hay sao mà chúng mày khát nước, khát tiền thế hả, ăn quẩn cả vào nguồn lợi sinh sống cuối cùng của bà già, con trẻ mà không biết nhục à? Đồ chó kia?
Mặc, đám không óc, không tim vì đã bị phong bì 100.000 đồng chặn ngực, kiên quyết giữ chặt bà giữa ruộng như Từ Hải bị lũ quân hèn nhát của triều đình quây chặt trong vây.
Trận cướp 4-3* bị thất bại ê chề, còn để lại dư vị cay đắng cho tên chủ thầu Nguyễn Hữu Ánh, vì vậy, lần này được chính quyền hỗ trợ, hắn quyết tâm làm đến nơi đến chốn, bỏ cả tiền tỉ để mua hàng nghìn mét tôn, bắn ốc vít, dựng hàng rào cao ngút đầu người, còn bỏ tiền mua từ chủ tịch huyện Trần Vũ Lâm( kẻ đứng đầu băng đảng cướp đất của 29 hộ dân hai thôn Phù Yên và Nhật Tiến lần này) cùng cả một guồng máy an ninh hàng trăm tên, vũ khí đầy người...Theo lời bà con phản ảnh, cũng là theo cách tính lạnh lùng của hắn : "Có đất là có tiền mà có tiền là có tất cả". Dù phải bỏ ra vài tỷ bạc để nuôi đội quân cướp phá chuyên nghiệp khổng lồ, nhưng chỉ cần cướp không vài mảnh đất của bà con, hắn đã có cả chục tỷ rồi. Huồng hồ gần 8.500 m2 đất của khu đồng trũng Vũng Voi và vài nghìn m2 ở xứ đồng Yên Ngựa, nơi bà con chuyên trồng đào, trồng hoa giống và cây cảnh nữa, làm gì chả thắng? Vì vậy cờ máu đã trong tay, tội gì mà không phất thành tiền thành bạc? Dù mỗi lần phất cờ cướp đất như thế này hàng nghìn sinh mạng phải chết đói, chết khổ, chết bệnh, dặt dẹo, vạ vật nơi đầu đường, xó chợ, làm thuê, làm mướn qua ngày cũng mặc. Hắn đã qúa quen với lời người dân truyền khẩu:
Ăn
mày là ai, ăn mày là ta
Bị đảng cướp đất, hóa ra ăn mày
Không thể để đảng bóc lột mình, thì hắn phải làm theo đảng, bóc lột dân thế thôi. Đằng nào chả thế, hắn không mua đảng, cướp đất của dân thì sẽ có tháng khác đứng ra làm việc này. Thời này là thời ăn cướp mà, cướp thì sống, chống thì chết. Vậy thì tội gì không cướp để mà sống, mà tồn tại, mà làm giàu... Dù phải nuôi béo lũ sâu mọt của các cấp chính quyền nhưng hắn vẫn được chính quyền bảo vệ kia mà.
11 giờ, thêm 4 người bị đánh, bắt trói đưa ra ngoài trụ sở công an huyện chương Mỹ. Đó là các chị Trần thị Nụ con gái ông Trần văn Tiến, người không cam tâm nhìn cảnh bố và chị dâu bị đánh dã man, cảnh mẹ khóc trong khu ruộng nhà bị tàn phá, nên đã ra mặt phản đối sự phát xít, dã man của chính quyền. Ba người còn lại là ba chị em ruột: Đỗ thị Thắm, Đỗ thị Thương và Đỗ thị Thuỷ, con gái chị Trịnh thị Hằng. Vì xót cho công lao hàng chục năm gây dựng của cả nhà trên mảnh đất 400 m2 trồng 300 gốc đào và hàng nghìn cây hoa giống với giá tiền nửa tỉ đồng tiền đầu tư, thu hoạch, sắp mất trắng vào tay bọn cướp mà lăn xả vào giữ đất, giữ đào, nên đã bị lũ sát nhân dùng dùi cui điện đánh ngã rồi lôi đi
Giặc mạnh, dân yếu, giặc được đảng trang bị tận răng, lại thêm bao nhiêu trái tim chó cùng gầm ghè lồng lộn, trong khi người dân chỉ có tay không. Vì thế đến đầu giờ ngọ, số đông bà con hậm hực, nghẹn ngào đứng nhìn tài sản đang dần rơi vào tay bọn cướp, số ít không đang tâm ở lại, dắt díu nhau lên trung ương kêu gào, trong khi người còn trạt bùn đất, nét mặt còn đọng nguyên dấu vết của sự vật lộn, người hơ hoảng, ngơ ngác, người căm uất trào sôi trước những gì vừa kịp chứng kiến trên mảnh đất cha ông...Tất cả lặng lẽ cúi đầu trong tiếng nấc, giữa mưa giông nức nở, tuôn trào.
Hà Nội - Hà Tây
10-2009
Trần Khải Thanh Thủy (Lược
thuật)
*Xem:
Đại
loạn ở Trường Yên:
http://www.danlentieng.net/spip.php?article4285
Trở
lại Trường Yên:
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92459&z=2