Khánh thành tượng đài tỵ nạn ở Hamburg - Đức Quốc
HAMBURGm Đức Quốc (Đỗ Thiện) – Cả ngàn người Việt Nam lái xe từ 2 giờ sáng hoặc chiều hôm trước, đổ về đầy chật một khu cầu cảng ở Hamburg, miền Bắc nước Ðức để dự lễ khánh thành Tượng Ðài Tỵ Nạn.
Công trình này là kết quả của hơn ba năm vận động của rất nhiều hội đoàn người Việt trên toàn nước Ðức. Trong danh sách các nhóm đóng góp tiền bạc có cả thuyền nhân đang sống ở Hoa Kỳ. Chính phủ Ðức cử Bộ Trưởng Nội Vụ Wolfgang Schauble thuộc liên minh CDU/CSU đến dự bên cạnh ông Franz Muentefering, chủ tịch đảng đối lập SPD.
Bộ trưởng kinh tế, lao động và giao thông tiểu bang Niedersachsen là người gốc Việt T.S. Philipp Roesler cũng có mặt và đọc diễn văn trong buổi lễ trang trọng. Chiều Thứ Bảy 12 Tháng Chín 2009 ông Nguyễn Hữu Huấn, hội trưởng Hội Xây Dựng Tượng Ðài Tỵ Nạn Hamburg chia sẻ cảm xúc với độc giả Người Việt sau buổi lễ thành công trong không khí đầy trang nghiêm và xúc cảm:
“Tôi rất cảm động về cái đã đạt được, về sự ủng hộ của nhiều chính trị gia người Ðức. Ðây là công sức do tất cả các bà con đóng góp. Rất đông người Việt Nam về đây dự buổi lễ khánh thành. Có người phải lái xe đi từ 2 giờ sáng, có người đến từ chiều qua. Và mừng nhất là hôm nay được một ngày nắng đẹp.” Hội Trưởng Nguyễn Hữu Huấn nói trong tâm trạng hào hứng nhưng mệt mỏi của không chỉ một ngày dốc sức cho việc chung.
Bắt đầu bằng một dự án xây dựng tượng đài ghi nhận đóng góp của chương trình Cap Anamur và các con tàu Ðức đã vớt cả chục ngàn thuyền nhân Việt Nam, công trình tưởng niệm người tỵ nạn Việt Nam từng trải qua nhiều thăng trầm để đến được thành công như ngày hôm nay.. Ðơn xin phép xây dựng tượng đài bị thống đốc tiểu bang Hamburg từ chối nhưng sau thời gian vận động báo chí và giới chính khách Ðức, các bên đi đến một thỏa thuận là sẽ dựng một tấm bia gắn trên tường mà thôi..
Theo thời gian và sự ủng hộ ngày càng nhiều từ phía chính phủ Ðức, mà ngay cả Thủ Tướng Angela Merkel cũng viết thư tôn vinh 30 năm hoạt động của ủy ban Cap Anamur, chính quyền địa phương dần chấp nhận trở lại đề nghị xây dựng tượng đài trong khuôn viên một khu vườn nhỏ 7m x 5m, nằm ngay trên con đường đi dạo dọc cảng Hamburg (Ueberseebruecken), ở cột mốc số 41.1 của bờ đê Johannisbollwerk.
Cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại Cộng Hòa Liên Bang Ðức “tưởng niệm các đồng hương tỵ nạn Cộng Sản đã bỏ mình trên đường tìm tự do”, đó là một phần nội dung tiếng Việt trên tấm tượng đài hình một quyển sách đang mở ra, viết bằng ba thứ tiếng Ðức-Anh-Việt Nam. Hàng chữ nổi tri ân T.S. Rupert Neudeck, người sáng lập chương trình Cap Anamur và thuê ba chiếc tàu hàng từ Tháng Chín 1979 đến Tháng Bảy 1987 để vớt 11,300 thuyền nhân Việt Nam, cùng chính quyền Hamburg và nước Ðức đã tiếp nhận người Việt tỵ nạn Cộng Sản.
Khối tượng đài là quyển sách bằng đồng đặt trên trụ đá hoa cương đã được khánh thành trong tâm trạng xúc động của những người Việt Nam có mặt tại chỗ và nhiều người Việt Nam quan tâm đến sự kiện này từ các nước Châu Âu và trên thế giới. Trong danh sách ân nhân có nhiều người từ ngoài nước Ðức, và đặc biệt là nhóm thân hữu từ nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ do nhà văn không quân Ðào Vũ Anh Hùng đại diện gửi tiền. Câu chuyện xây dựng tượng đài tị nạn là đề tài không chỉ được người Việt ở Ðức bàn tán nhiều nhất trong hai năm qua, mà còn gắn liền với nhiều hoạt động cộng đồng như lễ, Tết, và những buổi tiệc thân mật mừng thọ và kỷ niệm kết hôn. Qua những hoạt động đó, tấm bia không đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật hay một tượng đài ghi nhận lịch sử, mà sẽ giúp câu chuyện thuyền nhân tỵ nạn mãi mãi gắn liền với ký ức của cộng đồng người Việt ở nước Ðức và nhiều nơi khác.
Hiện tại, nhận xét từ các hội đoàn Việt Nam ở Ðức cho biết chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy đại sứ quán chính quyền Cộng Sản Việt Nam can thiệp bằng công văn vào quá trình dựng tượng đài tỵ nạn. Các tấm bia tương tự ở Bidong, Malaysia từng bị đục bỏ hồi năm 2005, còn trại tỵ nạn Galang ở Indonesia cũng chịu nguy cơ đóng cửa dưới sức ép của nhà cầm quyền Việt Nam.